Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng Hậu Giang

27/09/2024 | 06:12 GMT+7

Hậu Giang đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng sản phẩm du lịch, với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn sông nước...

Hậu Giang tập trung xây dựng các sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, các lễ hội đặc trưng... Thiết kế: BẢO NAM

Từ lợi thế miệt vườn sông nước

Từ việc xác định sản phẩm du lịch chủ đạo, thời gian qua, Hậu Giang đã tập trung đầu tư, khai thác từ những sản vật, cảnh sắc thiên nhiên hiện có. Bắt đầu bằng việc tổ chức những chuyến đi học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng trong và ngoài khu vực ĐBSCL, tổ chức hội thảo, tọa đàm, để các nhà nghiên cứu du lịch, các đơn vị lữ hành... hiến kế xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương...

Từ đó, Hậu Giang đã từng bước xác định phát triển du lịch sinh thái là chủ đạo, tiến hành xây dựng kế hoạch phát huy lợi thế sinh thái để tạo nên sự khác biệt. Từ đó, những nét riêng có của Hậu Giang đã, đang và sẽ tiếp tục được tính toán, đầu tư, khuyến khích người dân khai thác, để trở thành điểm đến: vùng khóm Cầu Đúc (thành phố Vị Thanh), vườn trầu (Vị Thủy); vườn măng cụt 100 tuổi (Châu Thành A), vườn trái cây (Ngã Bảy), vườn tre Tư Sang (Phụng Hiệp)...

Hậu Giang đã có Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Khai thác du lịch cộng đồng có định hướng lâu dài và phát huy tuyến đường thủy để xây dựng sản phẩm du lịch với 3 tuyến chính, gồm tuyến kênh xáng Xà No, sông Hậu và sông Ngã Bảy được xem là bước phát triển mới, đi vào thực tế từ những tiềm năng của địa phương để khai thác, tạo nên sự khác biệt. Hậu Giang cũng đang có nhiều dự án xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó nổi bật nhất là dự án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Thời gian qua, đã có nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát, tìm hiểu để có định hướng đầu tư, xây dựng thành một sản phẩm hướng đến thiên nhiên, giáo dục, nghiên cứu môi trường... Nếu khai thác, nơi đây sẽ là một sản phẩm đặc sắc, riêng có của Hậu Giang.

Biến “không” thành “có”

Thời gian qua, Hậu Giang cũng đã có nhiều cách làm mới để có thể biến những sản phẩm bình thường, gần gũi với đời sống hàng ngày thành điểm lưu luyến bước chân du khách. Đó là khai thác các câu chuyện về ẩm thực, về nét văn hóa đặc sắc qua các sự kiện rất đặc biệt, như Festival áo bà ba, khai thác văn hóa ẩm thực qua hội thi, những màn trình diễn những món ngon chế biến từ khóm, cá, các loại bánh dân gian làm từ gạo... để xác lập kỷ lục quốc gia, châu Á… Đây là việc quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Hậu Giang.

Hậu Giang đã làm những điều chưa nơi đâu làm, để kể những câu chuyện một cách sáng tạo và đặc sắc, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Từ những sự kiện đó, Hậu Giang tiếp tục có kế hoạch xây dựng “Con đường du lịch” tại trung tâm đô thị Vị Thanh tiếp tục tạo thành một sản phẩm đáng để thưởng lãm trong thời gian tới.

Ngoài việc tập trung định hình, xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực, Hậu Giang còn phát huy và nâng tầm sản vật địa phương với chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch và giờ đã có hàng trăm sản phẩm đạt chuẩn, là những món quà mà du khách có thể chọn để mua về tặng người thân, bạn bè. Đây đều là những sản vật, sản phẩm được làm nên từ bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, cần cù của những người dân Hậu Giang hiền lành, mến khách.

Xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc chưa bao giờ dễ và luôn là mục tiêu phấn đấu của địa phương. Bởi có sản phẩm du lịch hút khách là sự thành công. Hậu Giang đang có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khai thác và phát huy tiềm năng một cách bài bản và câu chuyện về sản phẩm du lịch sẽ tiếp tục được Hậu Giang hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể với một niềm tin sẽ biến ước mơ thành hiện thực...

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>