Chủ động sản xuất, chăn nuôi mùa mưa lũ

03/10/2024 | 18:18 GMT+7

Chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là mưa nhiều và nước lũ dâng cao để bảo vệ cây trồng, vật nuôi đang được bà con nông dân trong tỉnh quan tâm.

Anh Trương Văn Triều, ở ấp Mỹ Quế B, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chăm sóc cho vườn rau của mình.

Sản xuất bị ảnh hưởng

Anh Trương Văn Triều, ở ấp Mỹ Quế B, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã nối nghiệp gia đình làm nghề trồng rau màu hơn 10 năm nay, cho biết: “Cái nghề nhà nông đã gắn với gia đình tôi và bà con vùng này từ nhiều đời. Vùng này tuy là vùng trũng thấp của tỉnh, hay bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nhưng ai cũng bám đất, bám nghề, không có ý định thay đổi, bởi cũng không biết làm nghề gì khác để phát triển kinh tế, mà trồng hay nuôi con gì thì cũng bị ảnh hưởng nên vẫn cứ thế mà làm từ năm này qua năm khác”.

Gia đình anh Triều hiện đang trồng gần 6.000m2 rau màu, gồm bầu và dưa leo, hiện đang phát triển tốt, dự đoán khoảng hơn 20 ngày nữa là thu hoạch. Tuy nhiên, những ngày mưa gần đây đã ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây khiến anh lo lắng.

“Mấy ngày nay, mưa nhiều mà kéo dài dẫn đến thoát nước không kịp nên rau màu dễ bị ảnh hưởng, nhất là bộ rễ. Nước triều cường cũng đang dâng lên, hiện đã gần ngang với bề mặt các liếp trồng rau màu của tôi, cứ đà này thì sớm hay muộn cũng ngập. Nếu ngập thì lại phải tốn chi phí tấn cao su và bơm nước liên tục, lợi nhuận lại càng giảm”.

Tương tự, chị Huỳnh Hoa, người dân chuyên canh tác dưa hấu và trồng nấm rơm ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cũng đã ngưng trồng vụ này. Chị Hoa cho biết: “Trước đó cũng có theo dõi thông tin từ báo đài, biết được năm nay nước lũ về cao hơn so với mọi năm nên gia đình tôi quyết định bỏ vụ để tránh thua lỗ”.

Chủ động ứng phó

Để phòng trường hợp nước lũ dâng cao ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi, sản xuất, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để tránh gây thất thoát năng suất và ảnh hưởng chất lượng cây trồng, vật nuôi. Ông Trần Văn Thương, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi tôm trên 18 công đất ruộng, lứa tôm khoảng gần giữa tháng 10 là thu hoạch. Đoán trước nước lũ về, tôi đã tự gia cố các bờ ruộng, hàng ngày theo dõi mực nước để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Với 30 thiêng con giống (mỗi thiêng là 1.000 con), nếu nuôi đạt thì khi thu hoạch mỗi công sẽ thu được từ 30-40kg tôm (loại 26 con/kg), giá bán trung bình hiện nay rơi vào khoảng 280.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, con giống, thức ăn,… lợi nhuận thu về đạt từ 2-3 triệu đồng mỗi công.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, hiện tổng diện tích chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh là hơn 12.900ha. Trong đó, diện tích nuôi mương vườn là cao nhất, với hơn 3.000ha. Ước tổng sản lượng thủy sản của tỉnh là hơn 76.000 tấn.

Riêng về lĩnh vực sản xuất rau màu, bà con được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ để nhận thức rõ tầm quan trọng trong công tác chủ động ứng phó với mùa mưa lũ. Tự thực hiện các biện pháp như gia cố bờ, nâng cao liếp trồng, xây dựng nhà lưới, theo dõi sát sao các diễn biến thất thường của thời tiết để có cách ứng phó kịp thời, tránh gây thiệt hại cho cây trồng và ảnh hưởng năng suất, thu nhập.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh, cho rằng: Thời gian mưa bão liên tục xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của rau màu. Trường hợp một số ruộng không đảm bảo được đê bao ở những vùng đất thấp có thể bị ngập nước lâu ngày, dễ phát sinh dịch hại và ảnh hưởng năng suất.

Một số bất lợi gặp phải khi canh tác vào mùa mưa có thể kể đến như cây con bị chết ngay từ lúc gieo, hạt bị úng nước hoặc nảy mầm mà không phát triển được. Hiện tượng này thường gặp trên các ruộng gieo sạ trực tiếp hoặc có thể cây con bị mưa vùi dập, chậm phát triển, còi cọc, dễ bị bệnh tấn công. Bên cạnh đó, nếu thời tiết mưa kết hợp với giông, gió bão sẽ làm cây bị lung lay, ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ. Ngoài ra, ánh sáng yếu kết hợp với ẩm độ cao cũng làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cây. Thời tiết nóng, ẩm và trời thiếu sáng tạo điều kiện thích hợp cho các loại nấm, bệnh gây hại trên rau dễ phát sinh và phát triển. Thêm vào đó, những giọt nước mưa cũng góp phần lây lan nguồn bệnh, dễ gây rách lá, tạo vết thương cho nấm bệnh và vi khuẩn xâm nhập.

“Dù còn gặp khá nhiều khó khăn, nhưng việc sản xuất hoa màu trong mùa này đã tạo nguồn rau màu cho thị trường, tránh tình trạng đội giá vào mùa mưa. Đồng thời, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập cao hơn, nhờ giảm công tưới nước, bán được giá cao, qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân”, ông Bạch Văn Sơn thông tin thêm.

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh khuyến cáo bà con chọn nền đất cao ráo, tầng canh tác dày, đất tơi xốp và cần có bờ bao để tránh ngập nước, có hệ thống thoát nước tốt, nhanh tránh để nước bị tồn đọng khi gặp mưa to hoặc mưa dầm lâu ngày gây ngập úng rau. Song song đó, cần theo dõi thường xuyên các đối tượng gây hại, nếu có điều kiện bà con nông dân nên sử dụng nhà lưới, hoặc mái che giúp làm giảm tối đa tác động của mưa đến cây trồng.

MAI THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>