Hậu Giang có cách làm hay trong triển khai thí điểm học bạ số, có thể nhân rộng toàn quốc

03/07/2024 | 08:39 GMT+7

Từ năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, giúp các hoạt động của ngành hòa vào dòng chảy của chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo, giúp giáo viên giảm thời gian, công sức, thực hiện công việc.

Để hiểu hơn về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi cùng ông Thái Văn Tài (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thưa ông, khi triển khai học bạ số sẽ mang lại hiệu quả như thế nào cho ngành giáo dục và đào tạo ?

- Triển khai học bạ số là một trong những cấu phần chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi triển khai học bạ số góp phần giúp ngành quản lý chất lượng đào tạo, học tập của các em.

Ngoài ra, còn góp phần vào chuyển đổi số mang tính chất tổng thể của quốc gia, khi mà chúng ta đang thực hiện Đề án 06. Qua đây, giúp thực hiện quy trình hóa các công việc của giáo viên trên môi trường số, đem lại lợi ích lâu dài, giải phóng được các công việc hành chính của giáo viên, giảm một số công việc lâu nay giáo viên phải bỏ ra nhiều công sức để hoàn thành.

Bước đầu cho thấy thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học đã và đang được toàn ngành triển khai thực hiện theo lộ trình.

Qua kiểm tra thực tế thí điểm học bạ số cấp tiểu học tại Hậu Giang, ông có đánh giá như thế nào về công tác triển khai tại tỉnh, thưa ông ?

- Chúng tôi nhận thấy công tác triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học ở Hậu Giang đã thực hiện rất tích cực, trách nhiệm. Cụ thể, ngay từ đầu Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch, phân công ban chỉ đạo, tăng cường các văn bản hướng dẫn chi tiết, phân cấp phân quyền cho nhà trường, phòng và sở.

Chúng tôi trân trọng sự vào cuộc quyết liệt, huy động tất cả các nguồn lực liên quan của tỉnh dành cho công tác triển khai học bạ số cấp tiểu học.

Một số công việc đã thể hiện được kết quả bước đầu, tạo được sự đồng thuận trong giáo viên khi mà chính các thầy cô, học sinh là người thụ hưởng. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã tìm hiểu được một số giải pháp hay trong thực hiện ở tỉnh, chúng tôi sẽ báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia để nhân rộng cách làm của Hậu Giang trong thời gian tới. 

Thưa ông, như vậy học bạ số chắc chắn không chỉ dành riêng cho cấp tiểu học ?

- Khi triển khai tổng thể các giải pháp về học bạ số, quan điểm là không chỉ thực hiện ở cấp tiểu học, cấp tiểu học hiện nay chỉ là thí điểm mô hình. Về mặt kỹ thuật, khi đã triển khai thành công mô hình, sẽ phổ biến áp dụng đối với cấp THCS và THPT.

Vì vậy, Hậu Giang cần chuẩn bị trước các điều kiện để chuẩn bị triển khai đại trà 2 cấp học còn lại vào thời gian tới. Trong đó, cần tập trung xây dựng Cổng tiếp nhận và phương án xây dựng cơ sở dữ liệu của địa phương theo thẩm quyền. Cần có báo cáo chi tiết tính khả thi, khách quan để xây dựng lộ trình đầu tư có trọng điểm việc triển khai các giải pháp đồng bộ, để khi triển khai toàn cấp đảm bảo sẵn sàng các điều kiện.

Trong năm học 2023-2024, đã có 145 trường tiểu học tại tỉnh tham gia thí điểm học bạ số, trong đó 51 trường thí điểm từ lớp 1 đến lớp 4 (huyện Long Mỹ và huyện Châu Thành A thực hiện 100% trường), các trường còn lại chỉ thí điểm với lớp 1.

Trên học bạ số dữ liệu về thông tin học sinh, kết quả học tập được cập nhật đầy đủ trên phần mềm quản lý nhà trường và được rà soát, cập nhật đảm bảo tính đúng, đủ, chính xác.

 

Xin cảm ơn ông !

MỸ XUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>