Xây dựng nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững

17/07/2020 | 07:14 GMT+7

Năm năm qua, Đảng bộ huyện Phụng Hiệp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Khóm MD2 là một trong những loại cây trồng chuyển đổi hiệu quả ở huyện Phụng Hiệp.

Nổi bật là Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 04 về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng mô hình phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2020”. Trên cơ sở các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nghị quyết đã tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp giá trị sản xuất đạt 17.137 tỉ đồng, tăng bình quân 0,59%/năm.

Bước tiến trong sản xuất nông nghiệp

Dấu ấn đáng ghi nhận trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 04 của xã Phương Bình là tập trung chỉ đạo và vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Nhờ vậy, Phương Bình đã xây dựng được nhiều mô hình canh tác có hiệu quả, cho thu nhập khá cao như: mô hình trồng cây có múi, rau màu, khóm MD2… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.

Sau thời gian ngắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, ở ấp Phương Thạnh, chủ yếu chuyên canh mía ngày nào thì nay được ví như vùng khóm nguyên liệu mới của tỉnh. Điểm khác biệt ở vùng nguyên liệu này là ở giống khóm Mỹ (MD2) và tất cả diện tích đều được doanh nghiệp đến liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên đầu ra cũng như giá bán ổn định, tạo nguồn thu nhập cao cho bà con.

Đó là nhờ khóm MD2 thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng của vùng trũng có độ phèn nhẹ nơi đây. Vì vậy, sau thời gian thất thu từ cây mía, nhiều thành viên trong Tổ hợp tác nông nghiệp công nghệ cao ở ấp Phương Thạnh, đã và đang “ăn nên làm ra” bằng cây khóm MD2. “Quả thật, sau khi chuyển đổi đất mía sang trồng loại khóm này thì cuộc sống của nhiều hộ dân trong xóm ngày càng sung túc hơn, ông Nguyễn Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ.

Bởi theo ước tính của ông Sỹ, với giá được công ty ký hợp đồng bao tiêu 5.700 đồng/kg thì trừ hết các khoản chi phí, người dân cũng còn lãi khoảng 20 triệu đồng/1.000m2. Trong khi trước đây, mỗi công đất trồng mía ở xứ này chỉ cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng là cùng. “Từ hiệu quả khá hấp dẫn nên nhiều hộ dân địa phương đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại khóm này. Giờ diện tích đã lên đến hàng chục héc-ta, tăng gấp nhiều lần so năm 2018”, ông Sỹ cho biết.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Tuấn thông tin những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao, do nông dân tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó góp phần gia tăng thu nhập bình quân đầu người từ 24,31 triệu đồng vào đầu nhiệm kỳ lên 35,2 triệu đồng/người/năm như hiện nay.

Kết quả tích cực đó cũng nhờ các địa phương trong huyện triển khai có hiệu quả các đề án sản xuất, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo tinh thần Nghị quyết số 04 của Huyện ủy. Trong quá trình thực hiện, còn lồng ghép tuyên truyền, vận động thành lập mới 39 tổ hợp tác, hợp tác xã; nâng tổng số tổ hợp tác, hợp tác xã trên toàn huyện lên 220. Mặt khác, xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất đột phá để làm điểm nhân rộng.

“Phần lớn các mô hình chuyển đổi thời gian qua được thực hiện theo địa chỉ, nghĩa là đều có liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân hạn chế rủi ro khi thu hoạch. Đến nay, huyện đã kêu gọi được 20 công ty, doanh nghiệp tham gia bao tiêu các mặt hàng nông sản trên địa bàn thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Ngành cũng luôn khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo nhu cầu thị trường tiêu thụ”, ông Tuấn nói.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Trong giai đoạn 2015-2020, Huyện ủy cũng luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung quy hoạch phân vùng sản xuất trên từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Cụ thể là quy hoạch vùng mía nguyên liệu, vùng sản xuất lúa, cây ăn trái; vùng nuôi cá tra thâm canh, vùng chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó là tiến hành đăng ký với tỉnh những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trên địa bàn huyện đã hình thành vài điểm, tuyến du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông sản khá lý tưởng.

Với mong muốn tiếp tục tạo đòn bẩy, bước đột phá mới trong phát triển kinh tế cho địa phương, trong giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ huyện sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặt khác, khuyến khích áp dụng kỹ thuật canh tác, quy trình trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao, sử dụng giống mới, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản gắn với du lịch.

Theo ghi nhận của ngành chuyên môn, hoạt động du lịch của huyện tuy mới phát triển nhưng có nhiều tiềm năng, hàng năm có hơn 24.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi ở các điểm: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Tượng đài Tiểu đoàn Tây Đô, cây Di sản Việt Nam (lộc vừng), Khu di tích chiến thắng Chày Đạp. Tổng doanh thu hơn 4,7 tỉ đồng, tăng gấp ba lần so nhiệm kỳ trước.

Ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết trên địa bàn đã hình thành vài điểm, tuyến du lịch cộng đồng gắn với hoạt động sản xuất nông sản khá lý tưởng. Chẳng hạn điểm du lịch ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; tuyến du lịch cây lộc vừng kết hợp tham quan làng nghề sản xuất, chế biến cá thát lát theo chuỗi giá trị… Khi đến đây, ngoài thưởng ngoạn, du khách còn mua được nông sản an toàn, chất lượng.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Bảy cho rằng Phụng Hiệp là huyện thuần nông, phần lớn dân số sinh sống ở nông thôn và làm kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, Đảng bộ huyện vẫn tiếp tục xác định lĩnh vực nông nghiệp là nền tảng, động lực phát triển kinh tế của nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, lấy việc tập trung triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch”, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp làm nhiệm vụ đột phá.

“Muốn phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, thu hút du khách đến với địa bàn thì trước hết phải có nền nông nghiệp sạch, được sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ. Đồng thời, phải dựa vào sản phẩm chủ lực nông nghiệp để phát triển du lịch trên cơ sở phát triển làng nghề truyền thống với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương”, ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ở nông thôn, tăng cường liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, ông Bảy cho hay huyện sẽ phối hợp với các viện, trường và nhà khoa học nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng dự án phát triển du lịch gắn với cộng đồng, kết hợp với các di tích lịch sử - văn hóa...

Bước đầu, các ngành chức năng huyện phối hợp với địa phương khảo sát những điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng mô hình mẫu trước khi đưa vào khai thác hợp lý. Những bước đi cần thiết này tiếp tục tạo tiền đề vững chắc để kinh tế nông nghiệp của huyện đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.

Theo ngành nông nghiệp huyện, hiện toàn huyện có 889 tổ chức, hộ gia đình xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, trừ chi phí cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, nhiều mô hình tiêu biểu thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm, như mô hình trồng mãng cầu, sầu riêng, nhãn Idor, dưa lưới; nuôi baba, cua đinh...

Huyện cũng đã đăng ký với tỉnh những sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP) như: Rượu Lão Tửu ở xã Tân Bình, cá thát lát ở xã Thạnh Hòa, trà mãng cầu xiêm ở xã Phụng Hiệp. Dự kiến thời gian tới sẽ đăng ký thêm những sản phẩm khác gồm: sầu riêng ở xã Tân Bình, khóm MD2 ở xã Phương Bình, bưởi da xanh ở xã Phụng Hiệp, dưa lưới ở xã Bình Thành.

 

Ưu tiên các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến

Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy: Tới đây, Phụng Hiệp sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phân tán trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 61 và Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, ưu tiên các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, có hàm lượng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, sử dụng nguyên vật liệu, lao động tại chỗ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản và chuyển dịch cơ cấu lao động.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>