Từ Đại hội I đến Đại hội XIV

12/10/2020 | 19:21 GMT+7

Hôm nay (ngày 13-10), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, phường V, thành phố Vị Thanh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang long trọng chính thức khai mạc. Từ năm 1949 đến năm 2020, Đảng bộ Cần Thơ - Hậu Giang trải qua 14 kỳ đại hội. Mỗi kỳ là một mốc son lịch sử quan trọng, đánh dấu, ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng bộ trong việc đề ra những quyết sách, chủ trương và giải pháp đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, góp phần phát triển bền vững các mặt, từng bước đưa Cần Thơ - Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Quang cảnh phiên họp trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV. Ảnh: LÝ ANH LAM

Trong thời kỳ cách mạng, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện khách quan, giai đoạn từ cuối năm 1949-1954, Đảng bộ tỉnh Cần Thơ tổ chức 3 kỳ đại hội. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước từ năm 1954-1975, Đảng bộ không tổ chức đại hội. Tuy nhiên, thời kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và giành nhiều thắng lợi rất quan trọng, góp phần giải phóng Cần Thơ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn năm 1975-2020, Đảng bộ tổ chức 11 kỳ đại hội gồm 4 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũ, 3 kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ (Cần Thơ và Hậu Giang ngày nay) và 4 kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ. Trong giai đoạn này, sau khi công bố chia tách địa giới hành chính thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang (ngày 1-1-2004), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang được tính trên cơ sở số kỳ đại hội của Cần Thơ và đến nay Hậu Giang tổ chức 4 kỳ đại hội (tính cả Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025).

Cụ thể các kỳ đại hội của Cần Thơ - Hậu Giang:

- Đại hội I: Đại hội đại biểu tỉnh Cần Thơ lần thứ I năm 1949 với tên chính thức là: Hội nghị khoáng đại của Đảng bộ tỉnh Cần Thơ cuối năm 1949.

 Hội nghị này xác định: Đẩy mạnh phong trào kháng chiến lên mạnh mẽ và toàn diện; phá âm mưu lấn chiếm theo “vết dầu loang” của địch; giữ vững và xây dựng vùng giải phóng của ta về mọi mặt; đẩy mạnh sản xuất tự túc, tự cấp đảm bảo đời sống nhân dân; phát triển phong trào giáo dục, y tế; ra sức xây dựng dân quân du kích, lực lượng địa phương huyện, tỉnh…; tích cực xây dựng vùng căn cứ cách mạng đảm bảo cho cuộc kháng chiến lâu dài”.

- Đại hội II: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ II với tên chính thức là: Hội nghị cán bộ tỉnh Cần Thơ giữa năm 1951.

Hội nghị xác định: Nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng các vùng, nhất là vùng địch tạm chiếm; đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, đẩy địch vào thế thất bại, kềm chân địch để phối hợp với chiến trường chung tiến lên đánh bại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

- Đại hội III: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ III với tên chính thức là: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ tháng 4 năm 1953.

Đại hội xác định: Quyết tâm cùng cả nước chiến thắng thực dân Pháp giành thắng lợi quyết định.          

- Đại hội IV: Năm 1977, từ ngày 28-3 đến ngày 13-4, tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 1977-1980, lần đại hội này được thông qua là lần thứ I (theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24/2/1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24/3/1976 của Chính phủ Việt Nam, thì tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ được nhập lại để thành lập tỉnh Hậu Giang).

- Đại hội V: Năm 1980, từ ngày 27 đến ngày 29-10, tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ II, nhiệm kỳ 1980-1983.

- Đại hội VI: Năm 1983, từ ngày 22 đến ngày 25-3, tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ III, nhiệm kỳ 1983-1985.

- Đại hội VII: Năm 1986, từ ngày 21 đến ngày 24-10 tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990.

* Đại hội VIII: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ V (Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ VIII). Đảng bộ tỉnh Cần Thơ thời kỳ chống Pháp tổ chức Đại hội Đảng bộ 3 lần, thời kỳ chống Mỹ không tổ chức đại hội. Sau giải phóng năm 1975, từ khi sáp nhập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang, tỉnh tổ chức 4 kỳ đại hội. Do vậy, Tỉnh ủy Cần Thơ thống nhất cộng dồn 3 kỳ đại hội trước nên Đại hội V xếp thành Đại hội VIII. Đại hội này tiến hành từ ngày 7 đến ngày 9-9-1992, nhiệm kỳ 1991-1995.

Ngày 26-12-1991, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng:

- Đại hội IX: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ IX (Cần Thơ và Hậu Giang ngày nay), nhiệm kỳ 1996-2000, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-5-1996.

- Đại hội X: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ X, nhiệm kỳ 2001-2005, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10-2-2001.

Ngày 26-11-2003, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang hiện nay, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004. Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Hậu Giang lúc này là ông Nguyễn Phong Quang.

- Đại hội XI: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2005-2010, tiến hành từ ngày 20 đến ngày 22-11-2005.

Để sớm vực dậy vùng đất khó, ngoài yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, Tỉnh ủy còn ban hành 5 nghị quyết chuyên đề - đột phá cho từng năm:

+ Năm 2004, 2005: Xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương.

+ Năm 2006: Tập trung cho giáo dục - đào tạo.

+ Năm 2007: Xây dựng khu - cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

+ Năm 2008: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

+ Năm 2009: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, thủy lợi.

+ Năm 2010: Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; tập trung chỉ đạo thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Đại hội XII: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015, tiến hành từ ngày 28 đến ngày 30-9-2010.

Đại hội xác định: Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư xây dựng thành phố Vị Thanh trở thành đô thị loại II, ngang tầm với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 có mức phát triển trung bình khá trong khu vực, làm nền tảng đến năm 2020 đạt mức phát triển bình quân của cả nước.  

- Đại hội XIII: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, tiến hành từ ngày 14 đến ngày 16-10-2015.

Đại hội xác định: Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát triển kinh tế với tốc độ hợp lý, bền vững; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chính sách về an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Đại hội XIV: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến hành từ ngày 12 đến ngày 14-10-2020.  

Dự thảo Đại hội XIV xác định: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.

TRÍ THỨC

(sưu tầm và tổng hợp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>