Thêm nhiều ý kiến góp ý giúp văn kiện sâu sắc hơn

08/03/2020 | 12:12 GMT+7

Đó là đánh giá của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị góp ý Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, vào cuối tuần qua.

Đáng ghi nhận là trong hội nghị lần này có sự tham gia góp ý thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ. Trong đó, có những đồng chí đã kinh qua nhiều trọng trách quan trọng từ những ngày đầu Hậu Giang được thành lập cho đến giữ vai trò lãnh đạo cấp cao ở Trung ương.

Ông Huỳnh Phong Tranh (đứng), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, phát biểu đóng góp cho nội dung văn kiện.

Xác định rõ lĩnh vực cần ưu tiên đột phá

Ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng khâu dự báo tình hình, các mặt công tác, các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ qua khá toàn diện, tương đối chính xác. Điều đó thể hiện qua nhiều chỉ tiêu thực hiện khá cao, đồng thời cho thấy sự phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ tỉnh trong 5 năm qua là đạt khá toàn diện và quan trọng trong điều kiện khó khăn, thách thức chung của cả nước.

Trước nhận định ngành nông nghiệp và lao động nông nghiệp của tỉnh vẫn còn chiếm ở mức khá cao nên ông Huỳnh Minh Chắc cho rằng trong nhiệm kỳ tới, Hậu Giang có thể tiếp tục đi lên từ nông nghiệp. Tuy nhiên, phải xác định rõ hướng phát triển mới, nghĩa là cần dựa trên nền tảng khác để tạo ra bứt phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, chứ không chỉ là các sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, như lúa, mía… như trước đây.

“Tất nhiên là Hậu Giang không thể loại bỏ các loại sản phẩm đó, nhưng ở khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, chúng ta phải xác định cụ thể là phát triển nông nghiệp theo hướng nào, sản xuất ra làm sao, chất lượng như thế nào. Muốn vậy, cần xác định rõ tỷ lệ cơ cấu vật nuôi, cây trồng cho hợp lý, đảm bảo chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường. Tóm lại là phải đề ra quy mô, giải pháp tổ chức và hình thức sản xuất một cách bài bản, khoa học hơn”, ông Huỳnh Minh Chắc nhấn mạnh.

Trên cơ sở kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ 2015-2020, ông Huỳnh Minh Chắc khẳng định chỉ tiêu về tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 75% tổng số xã; phấn đấu được công nhận 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới là còn thấp. Bởi trong nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết đề ra 16 xã nhưng đến nay thực hiện được 32 xã, 1 đơn vị cấp huyện nhưng có đến 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, ông Huỳnh Minh Chắc đề nghị tỉnh cần xem xét bổ sung vào chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới thêm 5-6 xã và 1 đơn vị cấp huyện. “Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của cả hệ thống chính trị nên kết quả xây dựng nông thôn mới mang lại rất tích cực. Dù điều kiện trong 5 năm tới vẫn còn khó khăn nhưng tiềm lực xây dựng nông thôn mới ở nhiệm kỳ tới khá khả quan như thu ngân sách, thu nội địa, huy động vốn đầu tư toàn xã hội… đều tăng”, ông Huỳnh Minh Chắc phân tích.

Cần tính toán kỹ cơ sở, yếu tố, nguồn lực để đề ra chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ cũng như trong mục tiêu, nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ mới, tỉnh nên xác định rõ thứ tự ưu tiên ở từng lĩnh vực, khu vực thuộc cơ cấu kinh tế, giúp tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Đó là ý kiến của ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, góp ý cho nội dung văn kiện.

“Chúng ta nên cân nhắc, bởi chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở khu vực I hiện là 24,6%; đến năm 2025 giảm còn hơn 18%; trong khi mục tiêu đưa ra là đến năm 2025 trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, chọn hướng đi bằng nông nghiệp là số 1 có phù hợp không, tất nhiên là về quan điểm chỉ đạo, chính trị chung vẫn giữ nông nghiệp và nông thôn. Song nếu nói về kinh tế thì phải tính đến hiệu quả, mà thực tế thu ngân sách từ nông nghiệp không nhiều”, ông Huỳnh Phong Tranh đặt vấn đề.

Về các giải pháp phát triển trong nhiệm kỳ tới, ông Huỳnh Phong Tranh phân tích, yếu tố tăng trưởng thông thường cấu thành bởi 3 thành phần gồm: vốn, khoa học công nghệ và lao động. Cho nên, trong quá trình sử dụng vốn, đặc biệt là vốn từ ngân sách cần đánh giá thật kỹ hiệu quả đầu tư. Chưa kể là việc huy động vốn hiện nay là không dễ, nhất là chỉ tiêu huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm tới mà tỉnh đề ra khá cao, từ 99.000-100.000 tỉ đồng.

Đối với yếu tố khoa học công nghệ, ông Huỳnh Phong Tranh cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khi mà hiện nay, từ công cụ cho đến công tác quản lý, kể cả sản xuất và đời sống, chúng ta đều ứng dụng khoa học công nghệ. Do đó, thời gian tới, tỉnh phải đặc biệt quan tâm ứng dụng các thành tựu từ các đề tài nghiên cứu khoa học hiệu quả, đảm bảo đáp ứng trước xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới.

Còn yếu tố lao động cần chuyển dịch lao động khu vực I (nông nghiệp) theo hướng đào tạo. Hiện Hậu Giang có tỷ lệ 62% lao động ở khu vực I, tạo ra 24% GDP, như vậy tính ra với hơn 2 lao động mới tạo ra 1% GDP. Trước thực tế đó, tỉnh chỉ nên đảm bảo lực lượng lao động có trình độ trong nông nghiệp ở mức nhất định, phù hợp với thực tế của địa phương. Muốn vậy phải tiếp tục hướng đến nâng cao thu nhập bằng cách đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp cho phù hợp.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp hơn

Liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ mới, ông Lê Thanh Bình, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nói ở Trung ương thì xây dựng luật, còn địa phương triển khai, thực hiện. Trên cơ sở đó, tỉnh có thể vận dụng lồng ghép, bổ sung phần thể chế vào nhiệm vụ đột phá thông qua chỉ thị, quy tắc, quy định theo thẩm quyền địa phương có thể ban hành để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết sau này.

Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Chung, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị Tiểu ban Văn kiện nghiên cứu thêm chủ trương, chính sách của Trung ương có thể đưa vào vận dụng được thì thực hiện cho nhiệm kỳ mới. Chẳng hạn như trước đây, Hậu Giang tuy còn nghèo nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương thông qua việc hỗ trợ lãi suất mua máy gặt đập liên hợp, nhờ vậy mà kịp thời đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trên đồng ruộng.

“Kinh nghiệm tâm đắc nhất ở giai đoạn tôi còn đương nhiệm là hiệu quả từ chính sách hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn, lãi suất mua máy gặt đập liên hợp, giúp giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất chung của tỉnh. Đáng nói là đặc trưng Hậu Giang vẫn còn tỉnh nông nghiệp nên phải mạnh dạn vận dụng các chủ trương, chính sách của trên để áp dụng vào điều kiện thực tế địa phương, góp phần vực dậy tiềm năng, lợi thế phát triển tỉnh nhà”, ông Đinh Văn Chung mong muốn.

Theo ông Cao Văn Thum, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Vị Thanh, nhiều nhiệm kỳ qua, tỉnh ta đều chọn khâu đột phá, ưu tiên phát triển từ nông nghiệp. Ưu tiên là đúng bởi Hậu Giang xuất phát điểm từ nông nghiệp, nhưng muốn đột phá trong lĩnh vực này thật sự rất khó. Vậy có nên xem xét chọn lĩnh vực, ngành đang còn yếu như công nghệ thông tin để phục vụ tốt cho yêu cầu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cũng như quá trình điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra.

“Trong nhiệm kỳ tới, chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1%. Như vậy, nếu nhìn số học thì 3 năm sau là xóa được. Nhưng thực tế xã hội cho thấy, dù chúng ta có phát triển đến đâu cũng không thể không còn hộ nghèo. Ở đây, chỉ tiêu Nghị quyết đã đưa ra thì phải phấn đấu thực hiện cho mục tiêu giảm nghèo, tuy nhiên phải xây dựng chỉ tiêu này sao cho phù hợp, có thể tạo cơ sở đánh giá sâu sát vào cuối nhiệm kỳ”, ông Cao Văn Thum đề xuất.

Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho rằng với kinh nghiệm, trí tuệ của mình, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ đã có những đóng góp ý kiến quý báu cho văn kiện. Trên cơ sở đó, Tiểu ban Văn kiện cũng như Tổ giúp việc Tiểu ban Văn kiện nghiêm túc tiếp thu, đồng thời tổng hợp, bổ sung cho hoàn thiện hơn, đảm bảo nội dung, bố cục theo hướng dẫn của Trung ương.

Ông Lữ Văn Hùng còn đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn nội dung cần thảo luận, báo cáo tổng hợp ý kiến đối với Văn kiện trình đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như Văn kiện của Trung ương tại đại hội các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Các cơ quan, đơn vị được phân công theo kế hoạch khẩn trương tham mưu cho Tiểu ban Văn kiện bổ sung đầy đủ các loại văn bản, quy định, đảm bảo không bị động khi triển khai các công việc tiếp theo…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Huỳnh Thanh Tạo cho biết, sau 3 lần hoàn chỉnh, bổ sung, đến nay, các nội dung, đề cương Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, tới đây, văn kiện sẽ còn tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp, chỉnh sửa hoàn thiện hơn nữa, qua đó làm cơ sở vững chắc để có giải pháp thực hiện tốt mục tiêu, định hướng phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong giai đoạn mới.

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>