Lời Tòa soạn: Bắt đầu từ số báo hôm nay, trang 2, Báo Hậu Giang trân trọng đăng tải ý kiến của các đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay và của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu. Các ý kiến là những đánh giá, gửi gắm, kỳ vọng, trăn trở về một Hậu Giang trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, cũng như những đường hướng cho tỉnh nhà giai đoạn mới. Mời độc giả theo dõi!

Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang: Hậu Giang phát triển từng bước vững chắc

05/10/2020 | 08:52 GMT+7

Dõi theo từng bước phát triển của Hậu Giang, tôi nhận thấy tỉnh luôn có chủ trương, giải pháp phát triển phù hợp, điều này giúp tỉnh nhà có bước đi bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về sự phát triển của địa phương những năm qua, ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh như vậy và cho biết thêm:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (thứ 5 từ phải sang) và ông Nguyễn Phong Quang (thứ 2 từ trái sang) cùng các lãnh đạo tiến hành nghi thức cắt băng khánh thành đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (năm 2012). Ảnh: LÝ ANH LAM

- Cần nhắc lại những năm đầu Hậu Giang mới thành lập, tỉnh lỵ là thị xã Vị Thanh còn nhiều khó khăn, các huyện còn lại chỉ thuần nông, đi lại độc đạo, giao thương nhỏ lẻ, cuộc sống người dân thiếu thốn đủ thứ. Vì Hậu Giang là vùng đất chịu nhiều bom đạn chiến tranh, sau hòa bình lặp lại, muốn vực dậy cần thời gian dài và có nhiều giải pháp đột phá, phát triển phải đồng bộ… Chủ trương chia tách địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang là quyết định đúng đắn của Trung ương và chúng tôi được về khai phá vùng đất khó đầy tiềm năng này.

Khi đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Hậu Giang, ông đã cùng cán bộ, đảng viên tỉnh nhà làm những gì ban đầu ?

- Với trọng trách lớn, tôi về đây cùng đồng chí, anh em khai mở. Có thể gọi đây là bước đi đầu tiên để đặt nền móng cho các bước tiếp theo. Ý thức được điều đó nên ngay từ khi mới về, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã thống nhất ban hành các quyết sách hợp lòng dân, đó là nghị quyết chuyên đề đột phá chăm lo đời sống hộ nghèo, hộ chính sách; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế; phát triển hạ tầng giao thông; thu hút đầu tư và năm gần cuối nhiệm kỳ mới triển khai xây dựng trụ sở làm việc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phong Quang (bìa trái) thăm gia đình chính sách ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp (năm 2008). Ảnh: THẢO MIÊN

Nói như vậy để khẳng định rằng đó là một bước đi củng cố lòng tin Nhân dân; lo trước, vui sau của cán bộ, đảng viên.

Cụ thể là như thế nào, thưa ông ?

- Trong 2 năm đầu thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền xác định phải khắc phục ngay khó khăn, bất cập về tư tưởng, nhận thức và ổn định bộ máy để hoạt động, phục vụ. Song song đó là tập trung xây mới 3.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Quyết sách này được cả hệ thống chính trị đồng tình cao.

Tính từ năm 2004 đến tháng 9-2010, tỉnh vận động trong xã hội đóng góp trên 743 tỉ đồng, xây trên 22.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,55% năm 2006 xuống còn dưới 8% vào năm 2011.

Chính sách ưu đãi đối với người có công của Hậu Giang hướng đến mục tiêu: Thực hiện công bằng xã hội, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm tri ân những người đã hy sinh công sức hay một phần xương máu cho đất nước; bảo đảm mức sống của gia đình người có công bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình người dân địa phương.

Các năm tiếp sau là đầu tư cho giáo dục - đào tạo; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tập trung phát triển thương mại - dịch vụ; trải thảm đỏ thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A; đồng thời yêu cầu ngành chức năng quy hoạch Khu hành chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh, quy hoạch vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững…

Kết quả năm 2006, kinh phí đầu tư cho giáo dục trên 228 tỉ đồng; năm 2007 lên đến 262 tỉ đồng và khi ấy đã khắc phục cơ bản những yếu kém: xóa lớp học 3 ca, phòng học tre lá; thành lập thêm Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Dân tộc nội trú...

Dấu ấn của Hậu Giang giai đoạn này còn là bờ kè Xà No, Festival lúa gạo Việt Nam; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh được nâng lên, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 13 trong cả nước (năm 2009 - PV).

Kết quả chung của sự phát triển ở Hậu Giang là đoàn kết một lòng vì tỉnh nhà ngày một tiến bộ, đổi khác, vươn lên ngang bằng với các tỉnh bạn. Những chủ trương, quyết sách lớn trên đều được bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ. Khi đã thành quyết sách rồi thì nhanh chóng triển khai đến các cấp ủy và chính quyền tổ chức thực hiện, song song với đó là vận động, thuyết phục Nhân dân hợp tác, ủng hộ và tích cực tham gia. Qua từng năm, Hậu Giang có những tiến triển rõ nét về lượng và chất; bộ mặt thành phố tỉnh lỵ khang trang, sáng sủa; đường sá kết nối, giao thương thuận tiện; hộ nghèo giảm nhanh, nông thôn có nhiều đổi khác…

Ông đã dõi theo và thấy 5 năm gần đây Hậu Giang phát triển ra sao ?

- Về phát triển trong nhiệm kỳ 2015-2020, tôi nhận thấy Đảng bộ rất quan tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đó là phát triển nông nghiệp bền vững, cải cách hành chính và tập trung quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Gắn với đó là phát triển khá lĩnh vực công nghiệp khi lợi thế đường sông không lớn lắm; nông thôn mới thì có đến trên 32/51 xã đạt chuẩn; xây dựng được các thương hiệu nông sản: cá thát lát Hậu Giang, bưởi Năm Roi, khóm Cầu Đúc; thương mại, dịch vụ phát triển nhanh.

Một kết quả đáng ghi nhận nữa là về đô thị, như tôi nói trên, khi thành lập tỉnh chỉ có 1 thị xã, còn lại là huyện thì nay là 2 thành phố và 1 thị xã; 1 huyện có lợi thế công nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn 5 năm mà đã xây dựng được thành phố Vị Thanh đạt đô thị loại II là cả sự phấn đấu, nỗ lực của tỉnh, thành phố và Nhân dân. Bây giờ, tỉnh đang trên đà tiến bộ rõ nét. Với tỷ lệ thành thị, nông thôn mới đạt chuẩn thì rõ là đời sống người dân không thể thấp như những năm đầu.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ông thấy thế nào ?

- Tôi cũng ấn tượng với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể khi nghe nhắc nhiều về việc Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh và các đoàn thể, địa phương thường xuyên đối thoại với dân, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên; hay có cách tiếp xúc cử tri và giải quyết tại chỗ 80-90% ý kiến bà con đề xuất; mấy năm gần đây lại nghe các mô hình cải cách hành chính thân thiện, lấy người dân làm trung tâm; nghe đang xúc tiến nhanh xây dựng chính quyền điện tử…

Tất cả những việc làm đó của các đồng chí xuất phát từ tinh thần trọng dân, phục vụ Nhân dân, vì quê hương từng ngày phát triển chứ không gì khác hơn. Dĩ nhiên trong quá trình đi lên có mặt này mặt kia nhưng tổng thể là tiến bộ, đổi mới, có vị trí khá quan trọng trong khu vực.

Theo ông, những việc làm, kết quả trên xuất phát từ đâu ?

- Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ quan là sự đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ và Nhân dân; tỉnh xác định rõ mục tiêu phát triển, có giải pháp khả thi; quá trình thực hiện có kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, tháo gỡ kịp thời các bất cập, khó khăn. Cán bộ, đảng viên thì tận tâm vì công việc, biết sáng tạo, đổi mới; biết kế thừa, phát huy; biết nhân lên sức mạnh đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ khó…

Được xem qua dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, ông có ý kiến gì ?

- Về mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ đột phá, giải pháp phát triển Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tôi thấy một lần nữa Tỉnh ủy bám sát đề cương, hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng và quá trình biên tập đảm bảo các quy trình, lấy ý kiến theo hướng dẫn của trên; phát huy trí tuệ tập thể, cá nhân, dân chủ trong tiếp nhận góp ý văn kiện. Hậu Giang ý thức cao về nội dung dự thảo các văn kiện không phải là suy nghĩ chủ quan của lãnh đạo tỉnh hay của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà là sự kết tinh trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cơ quan Trung ương, đây là điều tôi đánh giá cao.

Xuất phát từ đây mà trong mục tiêu tổng quát, Hậu Giang chọn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nội dung đầu tiên; trong phát triển kinh tế chọn phát triển công nghiệp trước nông nghiệp, từ đó trong hệ thống chỉ tiêu cũng đưa chỉ tiêu đầu tiên là kết nạp và chất lượng đảng viên; đưa chỉ số cải cách hành chính lên số 3 so với nhiệm kỳ XII, XIII là thứ mười mấy; cũng như có chỉ tiêu mới về phát triển 1.000 doanh nghiệp.

Tôi cho rằng chọn như vậy rất phù hợp khi xây dựng Đảng là khâu then chốt, và sau 15 năm chọn phát triển nông nghiệp bền vững, đạt được nhiều thành tựu đáng kể thì nay công nghiệp đi trước gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thương mại, dịch vụ, du lịch cũng không có gì bất cập; vấn đề là các hệ thống giải pháp khả thi đã đề ra cần thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục…

Mọi việc thành công hay không đều xuất phát từ cán bộ, ông có nhắn nhủ gì với đội ngũ kế thừa ?

- Tôi biết trước đây, đặc biệt hiện nay Hậu Giang có những nhân tố con người khá năng động, có tâm, có tầm, điều này rất cần phát huy. Nhờ những nhân tố năng động mà đã sớm khai thác được tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài vực dậy được Hậu Giang sau vài năm thành lập, thì nay giai đoạn mới, phải nhân lên nữa ý thức phục vụ, cống hiến.

Nhiệm kỳ mới, lãnh đạo Hậu Giang phải tiếp tục quan tâm đến yếu tố con người - cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì con người là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của mọi việc; cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nâng cao năng lực, thường xuyên trau dồi đạo đức, chống tham nhũng hiệu quả, luôn trọng dân, phát huy dân chủ hơn nữa; lãnh đạo phải trọng dụng nhân tài, hiền tài, người có chí phục vụ quê hương; bố trí cán bộ vì công việc chứ không tình cảm riêng tư, cá nhân, lợi ích nhóm; phải sớm hội nhập sâu rộng… Có như thế thì những bước phát triển tiếp theo mới chắc hơn, bền vững hơn.

Ông Nguyễn Phong Quang: Cần nhắc lại sự kiện vào năm 2010 Hậu Giang phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Quân khu 9 và một số tỉnh, thành ở ĐBSCL tổ chức mít-tinh kỷ niệm 37 năm Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch của quân, dân Khu 9 và 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch tại Chương Thiện tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng. Cũng trong năm 2010, Chương trình an sinh phúc lợi xã hội đã thu hơn 415 tỉ đồng. Đặc biệt, “Quỹ vì người nghèo” năm 2011 đạt tổng giá trị 93,312 tỉ đồng… Đó cũng là những hoạt động rất tiêu biểu đánh dấu 5 năm 1 chặng đường Hậu Giang xây dựng - phát triển.

 

Xin cảm ơn ông !

TRÍ THỨC - TRƯỜNG SƠN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>