Nhiều ý kiến đóng góp chỉ tiêu, định hướng phát triển cho nhiệm kỳ mới

13/02/2020 | 17:32 GMT+7

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì mới đây ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Về chỉ tiêu dự thảo Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra kết nạp đảng viên trong nhiệm kỳ tới là 2.000-2.500, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị chốt lại chỉ tiêu kết nạp đảng viên của nhiệm kỳ tới là 2.500.

“Dù công tác phát triển đảng viên hiện nay gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ tiêu đưa ra chưa được 50% so kết quả thực hiện của nhiệm kỳ 2015-2020 (đến hết năm 2019, kết nạp được 5.394 đảng viên - PV), do đó, chỉ tiêu kết nạp 2.500 đảng viên có thể thực hiện được”, ông Tiến nói.

Tương tự, ông Đặng Văn An, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh, cho rằng cần đưa ra cụ thể con số kết nạp đảng viên trong nhiệm kỳ tới là 2.500 thay vì từ 2.000-2.500 đảng viên.

Cũng theo ông An, Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đánh giá khá sâu các bài học kinh nghiệm từ nhiệm kỳ 2015-2020, tuy nhiên thiếu nội dung về yếu tố con người. “Cần nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, vì đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020” ông Đặng Văn An nhấn mạnh.

Thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự thảo văn kiện, nhưng Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em cho rằng phần dự báo tình hình trong những năm tới chưa đề cập đến sự tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi nhiều dự báo đánh giá Cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ chi phối lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Do vậy, ông Phan Thạch Em đề nghị bổ sung thêm nội dung trên, trong đó dự báo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra ở Hậu Giang như thế nào trong 5 năm tới.

“Nếu chúng ta có dự báo tốt về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đề ra kế hoạch phù hợp để ứng dụng vào việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, sản xuất, kinh doanh thông minh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật... sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho sự phát triển của tỉnh”, ông Phan Thạch Em phân tích.

Còn theo đại tá Huỳnh Việt Trung, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong nhiệm vụ quán triệt và vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Trung ương về văn hóa và kết hợp nền tảng truyền thống văn hóa của Hậu Giang, nên nhấn mạnh giải pháp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử, giao tiếp.

Bởi theo đại tá Trung, việc giao tiếp, ứng xử của người dân, trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thời gian qua có nhiều vấn đề cần quan tâm. Thực tế cho thấy, có những mâu thuẫn xã hội dù không lớn nhưng để lại những hậu quả đáng tiếc, thậm chí dẫn đến chết người.

Trong khi đó, thượng tá Huỳnh Việt Hòa, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đề nghị nghiên cứu lại chỉ tiêu số 11 về tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế là 93%. Bởi Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã đề ra chỉ tiêu người tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 là 95%. Vì vậy, tỉnh cần căn cứ theo chỉ tiêu của Nghị quyết số 20 để thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Thượng tá Hòa cũng đề nghị xem xét chỉ tiêu 85% tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch. Vì Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra mục tiêu 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng dành nhiều sự quan tâm đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mà tỉnh đưa ra trong dự thảo văn kiện là 6,3%-6,5%/năm. Qua tính toán, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng cần phải điều chỉnh lại chỉ tiêu này.

“Dự thảo văn kiện đưa ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người trong nhiệm kỳ tới là 75-80 triệu đồng/người/năm. Qua tính toán, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế là 5,7% thì mức thu nhập bình quân đầu người sẽ là 76 triệu đồng/người/năm; còn tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,3% thì mức thu nhập bình quân đầu người sẽ là 80 triệu đồng/người/năm. Qua đó để thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,3-6,5%/năm mà tỉnh đưa ra là chưa phù hợp. Vì thế, nếu đề ra chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người từ 75-80 triệu đồng/người/năm thì phải điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 5,7-6,3%/năm thì mới đảm bảo”, ông Nghĩa lý giải.

Ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho rằng ý kiến của các đại biểu với nhiều điểm mới, xác đáng, phù hợp, đã cung cấp thêm nhiều nội dung và vấn đề mà tỉnh cần quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Trên cơ sở đó, Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV phải nghiêm túc tiếp thu và bổ sung những nội dung phù hợp vào dự thảo văn kiện.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, lưu ý do việc xin ý kiến đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV còn được tổ chức nhiều cuộc nên Tiểu ban Văn kiện nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương.

 

Đối với các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu và đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sát vào nội dung dự thảo văn kiện. Tiểu ban Tuyên truyền cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp. Bên cạnh việc lãnh đạo tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, người đứng đầu cấp ủy các địa phương cần lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2020…

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>