Nhiều ý kiến đóng góp báo cáo chính trị được ghi nhận, đề xuất bổ sung

17/08/2020 | 18:42 GMT+7

Kết thúc đợt 1 vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 của Tỉnh ủy) đã tổng hợp được hơn 330 lượt ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến nay, các ban dân vận cấp huyện đã triển khai nhiều Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Theo đó, hệ thống Dân vận, Mặt trận các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn đã tổ chức 27 hội nghị có 926 đại biểu dự. Qua đây, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 của Tỉnh ủy đã ghi nhận 587 lượt ý kiến hoàn toàn thống nhất với dự thảo báo cáo chính trị và 339 lượt ý kiến góp ý bổ sung, điều chỉnh, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo báo cáo chính trị.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 của Tỉnh ủy, thông tin, qua kết quả tổng hợp ở đợt 1 cho thấy, đa số ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp trung thực, thẳng thắn, phản ánh những vấn đề, lĩnh vực mà dự thảo báo cáo chính trị chưa đề cập. Đồng thời, bày tỏ những băn khoăn, lo lắng chính đáng, hợp lý; đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân và đội ngũ đoàn viên, hội viên trên địa bàn tỉnh.

Hầu hết ý kiến cũng đều cơ bản thống nhất với các nội dung được trình bày trong dự thảo báo cáo chính trị; đánh giá tài liệu được biên soạn kỹ lưỡng, văn phong rành mạch, dễ hiểu; hoan nghênh những thành tích toàn diện trên tất cả các mặt, lĩnh vực mà tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhất là trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên rất đáng ghi nhận.

Đề xuất bổ sung nhiều nội dung quan trọng

Cụ thể, về bối cảnh diễn ra đại hội, có đại biểu cho rằng nên phân tích kỹ tác động của dịch bệnh trên người và động, thực vật, nhất là dịch Covid-19 gây ảnh hưởng kết quả thực hiện nghị quyết, chủ trương, giải pháp nhiệm kỳ mới. Trên cơ sở đó, Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 thống nhất đề xuất Tổ biên tập văn kiện xem xét bổ sung vấn đề này.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, cần chọn lọc, tiếp thu hợp lý (có thể bổ sung phụ lục) đối với các ý kiến đề xuất bổ sung một số nội dung và phân tích làm rõ thêm kết quả lĩnh vực giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới; việc tập trung phát triển đô thị; chỉ đạo quyết liệt 5 lĩnh vực then chốt: điện, đường, trường, trạm, giảm nghèo; mạnh dạn, đột phá trong tổ chức cán bộ, quy hoạch tạo nguồn cũng như kết quả chỉ tiêu về hộ thoát nghèo, hộ có nước sạch, giải pháp phát triển du lịch đã thực hiện.

Đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có một số ý kiến đề xuất đánh giá bổ sung công tác kiểm tra, giám sát, qua đó đã kiểm điểm rút kinh nghiệm bao nhiêu trường hợp; khả năng của cán bộ ấp/khu vực và kết quả hoạt động của chi bộ ấp/khu vực. Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 thống nhất đề xuất bổ sung số liệu qua công tác kiểm tra, giám sát đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm số lượng bao nhiêu trường hợp cụ thể; các nội dung còn lại giữ như dự thảo.

Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 còn thống nhất đề xuất Tổ biên tập tiếp thu nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ mới theo hướng tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương. Cải cách hành chính mạnh mẽ; xây dựng chính quyền điện tử; tinh gọn bộ máy; thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hoàn thành và thực hiện nghiêm quy hoạch của tỉnh. Tập trung đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp, giao thông. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã.

Riêng phần đề xuất, kiến nghị với tỉnh, với Đại hội, có 20 ý kiến xoay quanh nội dung quan tâm việc xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, khuyến học khuyến tài và thực hiện hiệu quả. Có giải pháp tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân, tránh việc được mùa mất giá; quy hoạch vùng chuyên canh diện tích lớn để xuất khẩu.

Các dự án khi đã công bố quy hoạch phải thực hiện đúng thời gian theo quy định, dự án đã công bố nếu chưa thực hiện được thì nên xóa quy hoạch. Quan tâm sắp xếp các chức danh ấp/khu vực hợp lý hơn và chế độ chính sách cho cán bộ ấp/khu vực cao hơn để đảm bảo cuộc sống. Từ “Nhân dân” viết hoa. Qua xem xét, Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 đã thống nhất đề xuất Tổ biên tập chọn lọc, tiếp thu đưa vào chương trình hành động của tỉnh.

Không ít ý kiến đóng góp được ghi nhận

Bên cạnh đề xuất bổ sung nhiều nội dung quan trọng thì cũng có không ít ý kiến đóng góp được Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 ghi nhận. Trong đó có ghi nhận và đề xuất Tổ biên tập giữ như dự thảo đối với 18 ý kiến đề nghị bổ sung vào nội dung hạn chế ở phần đánh giá chung, do đóng góp không mang tính đại diện. Cụ thể là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy còn chậm, chưa phù hợp, nhất là thực hiện theo quy định của Trung ương về số lượng cán bộ xã, ấp.

Cán bộ có trường hợp không chấp hành sự phân công, đảng viên ở khu dân cư ít dự sinh hoạt Đảng, khó phân công nhiệm vụ. Chất lượng các công trình giao thông thấp cũng như chất lượng hoạt động của hợp tác xã còn hạn chế, sức cạnh tranh hàng hóa của tỉnh còn yếu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế, nhất là ở cơ sở; chất lượng đoàn viên, hội viên chưa cao.

Mặt khác, Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 đề xuất Tổ biên tập giữ như dự thảo về mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025 vì những nội dung đề xuất không phù hợp. Trong đó có bổ sung vào mục tiêu nội dung “giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”; sửa cụm từ “đổi mới công tác vận động quần chúng” thành “đổi mới công tác vận động Nhân dân” và bổ sung cụm từ “đẩy mạnh công tác tuyên truyền” trong nhiệm vụ chủ yếu thứ 5.

Tuy thống nhất giữ nguyên như dự thảo nhưng Thường trực Ban Chỉ đạo 2395 đề xuất các ngành tham mưu có giải thích cụ thể từng chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ mới. Bởi đối với nội dung này, có đến 68 ý kiến đề nghị bổ sung các chỉ tiêu là: “Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 15 sản phẩm OCOP chủ lực được công nhận từ 3-4 sao”; bổ sung chỉ tiêu “Số hợp tác xã được thành lập mới 5 năm”.

Giảm chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân, đạt 6,0-6,5%/năm. Hạ chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người, từ 60-75, 70-75, 80-83 triệu đồng/người vì tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng, thời gian phục hồi của nền kinh tế ít nhất 1-2 năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo như nhiệm kỳ trước 2-2,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%; sửa nội dung chỉ tiêu “Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1%” thành “Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo còn dưới…%” sẽ khả thi hơn.

Chỉ tiêu “Số lao động được tạo việc làm trong 5 năm là 75.000 lao động” là thấp hơn nhiệm kỳ trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt từ 65% là thấp, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Chỉ tiêu “Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 85% tổng số trường”, trong nhiệm kỳ mới 5 năm chỉ tăng 5% là thấp. Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, cụ thể tăng lên 95% hoặc hơn nữa.

Trong khi đó, có ý kiến bổ sung chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và tăng chỉ tiêu công nhận 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hay có ý kiến cho rằng “tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 85%” là cao, nhưng cũng có ý kiến cho là thấp và đề nghị tăng 85% - 90% - 95%. Và cũng có ý kiến đề xuất “Phấn đấu đến năm 2025 số hộ có đoàn viên, hội viên tham gia các đoàn thể chính trị - xã hội đạt 90%”…

GIA NGUYỄN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>