Nhiều đóng góp tâm huyết cho sự phát triển tỉnh nhà

12/10/2020 | 19:23 GMT+7

Trong khuôn khổ phiên họp trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh vào sáng ngày 12-10, đại hội tiến hành chia tổ thảo luận, ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết cho một Hậu Giang phát triển hơn nữa.

Bàn nhiều về phát triển công nghiệp

Nêu ý kiến về định hướng phát triển công nghiệp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh nếu chúng ta không phát triển được công nghiệp thì không thể nào tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới bởi nông nghiệp chỉ dừng lại mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: LÝ ANH LAM

Khẳng định muốn đạt được mục tiêu trở thành một tỉnh có mức thu nhập khá thì Hậu Giang phải đi lên từ công nghiệp, nên ông Nguyễn Văn Tuấn nói huyện Châu Thành và Châu Thành A có lợi thế phát triển công nghiệp lớn nhất tỉnh phải tiếp tục đi đầu đẩy mạnh triển khai lĩnh vực này gắn với giải phóng mặt bằng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư dự án.

Khởi động sớm cho công nghiệp Hậu Giang sau đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thủ tục đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 ở huyện Châu Thành đã xong, sau đại hội sẽ tập trung hơn và nhiều dự án công nghiệp khác trên địa bàn.

Ủng hộ đường hướng đi lên nếu không có công nghiệp thì chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế rất khó thực hiện đạt mức 6,5-7% nên đại biểu Phan Thạch Em, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, đề xuất phải phát triển công nghiệp công nghệ cao thông qua thu hút một số nhà đầu tư lớn, tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ để tạo đột phá. Phải đi tắt đón đầu bằng cách tập trung cho công nghiệp và chọn mũi nhọn phát triển từ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp và tăng trưởng từ 6,5-7% là hợp lý, khoa học, nhất là tới đây Hậu Giang có thêm một số dự án công nghiệp có tổng mức đầu tư lớn được triển khai như Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2; cùng với nhà máy giấy thì khi dự án nhà máy nhiệt điện vận hành sẽ tạo nguồn thu đáng kể cho tỉnh. Rõ ràng, nếu kinh tế tăng trưởng thì sẽ tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân.  

Ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nêu ý kiến tại tổ. Ảnh: LÝ ANH LAM

Giải pháp công nghệ cho giai đoạn mới

Cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tất yếu nên đại biểu Phan Thạch Em đồng tình với giải pháp phát triển của tỉnh là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, giải pháp công nghệ phải là phương thức lựa chọn hàng đầu để phục vụ tốt cho giai đoạn phát triển mới. 

Ông Phan Thạch Em, nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: LÝ ANH LAM

Đại biểu Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho rằng, đối với giải pháp nhiệm kỳ tới về phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới công nghệ cao gắn với thích ứng biến đổi khí hậu xây dựng nông thôn mới cần bổ sung giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang, phát biểu thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu Việt, năm 2018, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10 với chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh nhưng trong văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về giải pháp nhiệm kỳ tới chưa thấy nội dung tập trung đầu tư nhiều cho kết cấu hạ tầng khu này...

Trong khi đó, về cải cách hành chính, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, đồng tình với đánh giá nhiệm kỳ 2015-2020 cải cách hành chính được chú trọng, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hiện đại hóa nền hành chính.

Dành nhiều sự quan tâm cho nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Văn Vui nói để chính quyền điện tử và chuyển đổi số triển khai hiệu quả thì vấn đề nguồn nhân lực rất quan trọng và thực tế thì cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có trình độ về công nghệ thông tin hiện nay khá ít. Vì vậy nhiệm kỳ 2020-2025 cần quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn về công nghệ thông tin cho lực lượng cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện, vận hành chính quyền điện tử và chuyển đổi số. “Phải đầu tư trang thiết bị, máy móc đầy đủ, đường truyền internet ổn định cho cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn để hoạt động suôn sẻ”, ông Nguyễn Văn Vui đề nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Xuyên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Ngã Bảy, những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt kết quả cao, xây dựng rất nhiều mô hình nổi bật. Vì vậy đại biểu này đề xuất đối với nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh 5 năm tới là nên có đánh giá sâu về hiệu quả, chất lượng của các mô hình làm theo; hàng năm tỉnh nên có chỉ đạo nhân rộng các mô hình nổi bật nhất ra phạm vi toàn tỉnh.

 

G.NGUYỄN - T.SƠN - MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>