Nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính

27/09/2020 | 15:03 GMT+7

Nhiệm kỳ 2015-2020, công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện và ngày càng nâng chất, hiệu quả, góp phần phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Người dân được hướng dẫn tận tình khi đến bộ phận một cửa thành phố Ngã Bảy.

Người dân và doanh nghiệp hài lòng

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy, cho biết, hướng tới mục tiêu an dân, thành phố đã và đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng chính quyền trong sạch, năng động, phục vụ Nhân dân, trong đó đẩy mạnh CCHC được quan tâm đặc biệt.

Kết quả nổi bật đến nay của thành phố là thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho dân qua dịch vụ bưu chính công ích ở một số loại thủ tục như: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hồ sơ bảo hiểm xã hội, lý lịch tư pháp, hồ sơ đất đai, thu phí phạt vi phạm an toàn giao thông và chuyển phát giấy tờ tạm giữ, cấp đổi giấy phép lái xe.

Thành ủy còn chỉ đạo cho Mặt trận và các đoàn thể hàng tuần phải cử cán bộ đến Bộ phận một cửa của thành phố để viết hộ hồ sơ hành chính. Những cán bộ được cử thực hiện nhiệm vụ này đều được tập huấn về nghiệp vụ, đảm bảo hỗ trợ tốt khi người dân yêu cầu.

Ngoài ra, mô hình “3 trong 1” đang được thành phố Ngã Bảy triển khai rộng rãi trên địa bàn được người dân đánh giá cao. “Chỉ cần đến bộ phận một cửa của phường là có thể thực hiện cùng lúc 3 thủ tục: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Phải nói là quá tiện lợi và đỡ tốn thời gian người dân đi lại”, ông Nguyễn Văn Luông, ở khu vực 5, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ.

Để cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiều cố gắng trong cải cách TTHC ở các lĩnh vực phụ trách. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, công tác CCHC về thành lập doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ, đã giảm trên 50% TTHC so với quy định; cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 1,5 ngày làm việc (so với quy định là 3 ngày làm việc); cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư (so với quy định là 5 ngày làm việc); cấp quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian 3 ngày làm việc (so với quy định là 5 ngày làm việc).

Ông Nguyễn Văn Lộc, ở phường V, thành phố Vị Thanh, vừa qua đến Trung tâm Hành chính công tỉnh xin đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cho biết: “Chỉ trong 1,5 ngày là nhận được kết quả; thời gian rút ngắn giúp việc triển khai kế hoạch kinh doanh được nhanh hơn”.

Nhiều biện pháp được các cấp, các ngành triển khai đã góp phần rút ngắn thời gian, đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác, hiệu quả trong giải quyết hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là tại các bộ phận thường xuyên tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân.

Cụ thể là tỉnh đã đầu tư lắp đặt camera tại bộ phận một cửa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; công tác kiểm tra công vụ được ngành chức năng thực hiện thường xuyên để chấn chỉnh kịp thời những cán bộ, công chức có biểu hiện chểnh mảng về tác phong, giờ giấc hoặc có thái độ nhũng nhiễu, hạch sách khi giải quyết hồ sơ. Nhờ vậy mà người dân, doanh nghiệp không còn lo lắng khi đến cơ quan công quyền như trước…

Tất cả đã góp phần giúp Chỉ số CCHC của tỉnh liên tục tăng những năm gần đây. Cụ thể, chỉ số CCHC năm 2018 đạt 76,42/100 điểm, đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 7/13 tỉnh vùng ĐBSCL; năm 2019, chỉ số CCHC đạt 81,05 điểm, đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 6/13 tỉnh vùng ĐBSCL.

Từng bước xây dựng chính quyền điện tử         

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Vị Thanh, thông tin, việc xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn đã đạt được những bước tiến khá rõ rệt và giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

“Biểu hiện rõ nhất là cán bộ, công chức, viên chức hiện nay xử lý công việc hành chính hoàn toàn trên máy tính. Các máy tính đều có kết nối internet nên chúng tôi có thể trao đổi, chia sẻ thông tin, văn bản trên môi trường mạng, vừa nhanh và tiết kiệm giấy in”, ông Tùng chia sẻ.

Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, UBND phành phố Vị Thanh còn phối hợp với VNPT Hậu Giang thực hiện thí điểm họp không giấy áp dụng cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và các xã, phường trên địa bàn từ ngày 1-10-2019. Qua sơ kết cho thấy cách làm này mang lại kết quả thiết thực vì tiết kiệm chi phí, thời gian chuẩn bị tài liệu (in, photo) tại các cuộc họp. Dự kiến, thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng mô hình cho tất cả các cơ quan, đơn vị của thành phố.

Cùng với đó, thành phố cũng đã triển khai 3 điểm phát sóng wifi công cộng gồm: Khu văn hóa Hồ Sen, Công viên Hòa Bình và Bộ phận một cửa của thành phố. Việc làm này sẽ gắn với công tác tuyên truyền cho người dân về CCHC và xây dựng chính quyền điện tử của thành phố thông qua xem các đoạn video clip trước khi thực hiện thao tác kết nối sử dụng internet công cộng.

Không riêng thành phố Vị Thanh, việc xây dựng chính quyền điện tử được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện từng bước, tạo nền tảng để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, tỷ lệ máy tính được trang bị cho cán bộ, công chức là 0,9 máy/cán bộ, công chức; 100% các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị mạng nội bộ (LAN) và được kết nối internet. Đây là điều kiện quan trọng để cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện trao đổi văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành; các loại văn bản điện tử thường được trao đổi trên môi trường mạng gồm: thông báo, giấy mời, thông báo kết luận, văn bản nội bộ, lịch công tác, công văn, văn bản quy phạm pháp luật...

Song song đó, thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành tỉnh và các huyện, thị, thành được đưa lên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị. 100% văn bản nội bộ của các cơ quan, đơn vị được trao đổi dưới dạng điện tử, không sử dụng văn bản giấy.

Đối với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai đến tất cả các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị, thành và xã, phường, thị trấn. Trên phần mềm hiện tại đã cập nhật 1.930 thủ tục hành chính thuộc danh mục các thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh, trong đó đã cung cấp 1.376 thủ tục mức độ 2, 365 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 107 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nội vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện công tác CCHC. Qua đó, giúp các nội dung của công tác CCHC đều có nhiều tiến bộ. Nổi bật là công tác rà soát, công bố, niêm yết công khai TTHC được thực hiện kịp thời, đúng quy định; việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phát huy hiệu quả.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường sự công khai, minh mạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư, tăng cường công tác chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành về thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong thực hiện các TTHC cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ phận một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến của cá nhân và tổ chức kết hợp với việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước...”, ông Quân nhấn mạnh.

Công tác CCHC đã và đang được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với nhiều giải pháp và đầu tư hợp lý. Mục tiêu hướng tới là xây dựng nền hành chính trong sạch và từng bước hiện đại, từ đó có đủ năng lực để quản lý hiệu lực, hiệu quả công việc nhà nước, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Ngày 13/7/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1436 về xây dựng tổng đài CCHC của tỉnh; thiết lập tài khoản Zalo và hỗ trợ người dân trong tiếp cận, kê khai, giải quyết TTHC.

Mục đích của kế hoạch nhằm xây dựng 1 kênh thống nhất trong việc tư vấn và hỗ trợ công tác CCHC cho các sở, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp với tên gọi “Tổng đài hỗ trợ công tác CCHC tỉnh Hậu Giang”; thiết lập 1 tài khoản trên Zalo với tên “Phản ánh về TTHC Hậu Giang”. Đây sẽ là kênh thông tin tương tác giữa tỉnh với người dân, doanh nghiệp. Qua đó, tiếp nhận thông tin nhanh, hiệu quả để giúp người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện TTHC, kịp thời phản ánh về những hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức. Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp sẽ là một trong những nguồn thông tin cung cấp cho tỉnh để kịp thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện CCHC; giúp kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm trong công tác cán bộ và hoạt động công vụ.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>