Điểm nhấn trong đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề

24/09/2020 | 05:04 GMT+7

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh xác định là khâu quan trọng nhằm tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây không chỉ là hướng đi có tính chiến lược lâu dài, mà còn giúp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề phát triển bền vững.

Các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, nghề chất lượng cao ngày càng được tỉnh chú trọng đào tạo.

Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài…

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh: Từ năm 2015 -2019, toàn tỉnh đã có hơn 7.900 sinh viên thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Nếu năm 2015, toàn tỉnh chỉ có khoảng 150 sinh viên/10.000 dân, thì đến nay đã có 200 sinh viên/10.000 dân, đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu đề ra. Thời gian qua, cũng nhờ được các cấp, các ngành quan tâm, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên ở các trường, đặc biệt là cấp THPT từng bước đã được chuẩn hóa. Anh Lê Phê Lê, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: “Cũng nhờ được thầy cô tận tâm dạy dỗ, tôi đỗ vào Trường Đại học Tây Đô. Sau 4 năm theo đuổi đam mê với ngành dược, ngay khi tốt nghiệp ra trường, tôi đã xin vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa số 10”.

Bên cạnh trang bị kiến thức, nhằm tiếp sức cho nhiều học sinh khó khăn, học sinh dân tộc vươn đến ước mơ vào đại học, cũng đã có nhiều chương trình học bổng hay mô hình hỗ trợ lâu dài, giúp ước mơ của học sinh khó khăn dần được hiện thực hóa. Ông Nguyễn Văn Bé, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học kiêm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn đã xây dựng được một mô hình 1+1, 1+n (một mạnh thường quân giúp một hoặc nhiều học sinh)… rất ý nghĩa, để khuyến khích các em học sinh thi vào đại học ở Trường THPT Tầm Vu. Thông qua mô hình, các em học sinh thi đậu vào các trường đại học lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng. Mỗi em được hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng/tháng, trung bình 45 triệu đồng/năm cho đến khi tốt nghiệp. Mô hình hiện do một cựu học sinh của trường thực hiện, tính đến hết năm 2019, tại Trường THPT Tầm Vu đã có 165 học sinh được hỗ trợ, trong đó có 25 em đã hoàn thành tốt nghiệp đại học”.

Ngoài mô hình trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều chương trình học bổng để giúp học sinh nghèo có thêm điều kiện để vào đại học như: Quỹ học bổng Châu Á, Quỹ học bổng Phú Mỹ Hưng, học bổng của Chương trình Hoa Lúa HGTV… Chính những sự hỗ trợ tích cực này, đã góp phần rất lớn trong việc vun đắp ước mơ cho thế hệ trẻ.

Biết ơn trước sự trợ giúp ý nghĩa này, nhiều sinh viên đạt thành tích xuất sắc sau khi tốt nghiệp ra trường đã trở về phục vụ cho quê hương.

Hệ thường xuyên dần nâng tầm chất lượng

Những ngày này, em Nguyễn Thị Kim Xuyến, học viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, vẫn chưa hết vui mừng, khi biết mình đậu tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào ngành luật của Trường Đại học Kiên Giang. Xuyến bộc bạch: “Do kinh tế gia đình khó khăn, nên ngay khi tốt nghiệp THCS, em đã chọn đăng ký học ở hệ GDTX chứ không đăng ký xét tuyển vào trường THPT. Theo em, học ở hệ GDTX cũng có lợi thế như chương trình chỉ tập trung vào 7 môn chính không dàn trải, sau khi học hết 12 vẫn có thể thi tốt nghiệp như học sinh ở trường THPT… khi học ở hệ GDTX, em còn có thể đăng ký học trung cấp nghề. Với nghề may thời trang đã tốt nghiệp, sau khi vào đại học em sẽ tranh thủ đi làm để có thêm chi phí trang trải trong quá trình học đại học”.

Có lẽ bắt nguồn từ hai từ “bổ túc” nên những năm qua khá nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm với việc theo học ở hệ GDTX. Nhiều người vẫn cho rằng, học ở hệ GDTX, bằng tốt nghiệp không có giá trị. Nhưng so với trước đây, hiện nay các lớp dạy bổ túc văn hóa ở những Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX, đã có nhiều thay đổi có lợi cho người học và dần khẳng định được chất lượng đào tạo. Sau khi học hết lớp 12, học viên cũng có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT chung với học sinh ở các trường THPT.

Nhiều năm trở lại đây, để thu hút học viên, các trung tâm GDTX đã có nhiều đổi mới trong việc dạy và học. Nhờ đó, chất lượng đào tạo ở hệ GDTX đã được nâng lên rõ nét, thể hiện bằng việc tỷ lệ học sinh tốt nghiệp khá cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Năm học 2015-2016, ở hệ GDTX tỷ lệ học viên tốt nghiệp THPT đạt 43,55%, thì đến năm học 2018-2019 đã tăng lên 60,63%. Trong đó, một số trung tâm còn có tỷ lệ học viên tốt nghiệp đạt 100%, nhiều học viên còn đậu vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Không chỉ vậy, những năm gần đây, ở hệ GDTX cũng có học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, học sinh thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đạt giải các cấp.

Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

Trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở GDNN, trong đó, có 3 trường cao đẳng, 11 trung tâm GDNN và 3 cơ sở khác. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh đã chú trọng đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ, ưu tiên cho các ngành nghề trọng điểm quốc gia.

Các cơ sở GDNN luôn cập nhật, bổ sung, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để phù hợp yêu cầu thị trường lao động. Nhằm giúp người học yên tâm học nghề, các cơ sở GDNN cũng chủ động liên hệ các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động để ký hợp đồng cung ứng lao động. Nhờ đó, tỷ lệ học viên có việc làm hàng năm cũng tăng dần, trong đó hệ cao đẳng có việc làm ngay khi ra trường đạt 70-80%, hệ trung cấp đạt hơn 80-90%.

Khá phấn khởi khi học được nghề yêu thích, lại có việc làm ngay khi ra trường, anh Nguyễn Thanh Phúc, học viên khóa 3 của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ (nay là Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang), bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp trung cấp, biết nguyện vọng tôi muốn học liên thông lên cao đẳng, nhà trường cũng chủ động giới thiệu cho tôi học liên thông ngành kỹ thuật xây dựng tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng. Ngay khi tốt nghiệp, trường cũng có hỗ trợ tôi tìm việc làm. Với công việc là thầu xây dựng, mỗi tháng tôi cũng có thu nhập ổn định từ 10-15 triệu đồng”.

Cũng nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, từ năm 2015-2020, tỉnh đã đào tạo nghề được cho 38.448/33.488 lao động, đạt 115% kế hoạch. Trong đó, cao đẳng và trung cấp đã tuyển sinh đào tạo 6.224 người, sơ cấp và dưới 3 tháng là 32.264 người. Qua đây, không chỉ giúp người lao động có nghề, tìm được công việc ổn định, mà còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đảm bảo đủ lao động phục vụ hoạt động.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016-2019, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới và giải quyết việc làm được cho 73.032/75.000 lao động. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho 91.032/75.000 lao động, đạt 121,38% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,6%.

Sau 5 năm triển khai và thực hiện, số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực. Qua đây, đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Hậu Giang đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh đã thực hiện rà soát, sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề, đầu tư có trọng điểm. Để phát triển nguồn nhân lực, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, đến năm 2020 Hậu Giang sẽ có 200 sinh viên/10.000 dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; giải quyết việc làm cho 75.000 lao động. Bằng nhiều giải pháp và cách làm thực tế, đến nay các chỉ tiêu đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>