Dấu ấn một nhiệm kỳ

08/07/2020 | 23:36 GMT+7

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Vị Thủy nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đạt và vượt tất cả chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Lão nông Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng đánh giá cao mô hình sản xuất lúa thông minh.

Đạt kết quả trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm để tập trung các nguồn lực tổ chức thực hiện; sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, Huyện ủy vận dụng có hiệu quả chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương...

Các lĩnh vực kinh tế phát triển toàn diện

Phát huy thế mạnh của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, nhất là thực hiện được nhiều mô hình canh tác hiệu quả cao, xây dựng cánh đồng lớn gắn với bao tiêu hàng nông sản. Trong thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, địa phương đã chuyển đổi 346ha diện tích vườn tạp sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao; triển khai, thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn.

Lãnh đạo huyện Vị Thủy nhận cờ thi đua của UBND tỉnh vì có thành tích trong xây dựng và phát triển giai đoạn 1999-2019.

Thời gian gần đây, huyện đã tích cực triển khai mô hình sản xuất lúa thông minh thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác mới. Cụ thể, vụ lúa Đông xuân 2019-2020, toàn huyện có 76ha sản xuất theo mô hình này. Lão nông Hai Huynh (Trần Văn Huynh), ở ấp 7, xã Vị Thắng, cho biết mô hình canh tác lúa thông minh mang lại hiệu quả rõ rệt so với sản xuất thông thường.

“Vụ Đông xuân 2019-2020, gia đình tôi có 5ha sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh. So với phương thức canh tác thông thường thì trồng lúa thông minh giúp giảm chi phí, ít sâu bệnh, giảm công lao động và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, năng suất theo mô hình lúa thông minh đạt 1,2-1,3 tấn/công, còn canh tác lúa thông thường chỉ từ 1-1,1 tấn. Nhờ vậy, vụ Đông xuân vừa rồi gia đình tôi thu lợi nhuận 5 triệu đồng/công”.

Theo ngành chức năng huyện, nông dân tham gia sản xuất lúa thông minh được hỗ trợ 50% kinh phí lúa giống, phân bón và tiền công cấy. Hình thức canh tác là áp dụng máy cấy lúa, bón vùi phân và chỉ bón một lần cho cả vụ. Ưu điểm của mô hình canh tác này là lúa trên ruộng không bị đổ ngã, giảm công lao động, hạ giá thành, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân.

Do mô hình đã khẳng định hiệu quả thu nhập cao cho người dân nên ngành chức năng huyện đang từng bước mở rộng diện tích. Theo đó, trong vụ Hè thu năm 2020, toàn huyện có 100ha sản xuất theo mô hình lúa thông minh ở các xã Vị Thắng, Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy và Vị Đông.

Huyện cũng đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, hoạt động kinh tế hợp tác với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với kinh tế hộ gia đình đã làm tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Chưa kể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm. Huyện đã tập trung xây dựng thành công 2 xã nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu nhiệm kỳ, nâng tổng số xã nông thôn mới trong toàn huyện là 4 xã, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

Cùng với nông nghiệp, nông thôn khởi sắc là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) là 17.256 tỉ đồng, đạt 116,59% chỉ tiêu Nghị quyết. Ngoài ra, hoạt động thương mại - dịch vụ có bước phát triển, mạng lưới chợ được đầu tư, số cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng 1,33 lần so đầu nhiệm kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 2.750 tỉ đồng, tăng 447 tỉ đồng so năm 2015. 

Xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh

Hoạt động nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền của huyện Vị Thủy trong nhiệm kỳ qua là tổ chức triển khai, thực hiện có chiều sâu việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp, đề xuất, kiến nghị cũng như góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cụ thể, cấp huyện đã tổ chức 16 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, có 1.783 lượt người dự, với 5.021 ý kiến; cấp cơ sở đã tổ chức 157 cuộc, có 10.140 lượt người dự, với 13.237 ý kiến. Theo Huyện ủy Vị Thủy, sau các buổi tiếp xúc, đối thoại, cơ quan tham mưu đều có thông báo kết luận của người chủ trì nhằm giao trách nhiệm cụ thể cho ngành chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị.

Đối với những vấn đề phức tạp, cần thời gian giải quyết thì huyện cho chủ trương, giải pháp thực hiện và sớm có thông báo kết quả để dân biết. Nhờ sự quyết liệt ấy mà ngành chức năng huyện giải quyết dứt điểm tất cả các ý kiến, kiến nghị của dân nêu ra tại các buổi tiếp xúc, đối thoại.

Cũng nhờ hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân thời gian qua nên nhiều bức xúc của người dân ở xã Vị Thủy được giải quyết thỏa đáng. Trong đó có đoạn đường đất dẫn vào lò hỏa táng ở ấp 6 đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng mới với chiều dài 150m, mặt rộng 2m, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân nơi đây, nhất là vào mùa mưa.

Bà Thị Đường, ở ấp 6, xã Vị Thủy, phấn khởi nói: “Đoạn đường được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận lợi hơn. Điều quan trọng là chính quyền đã thực hiện được lời mình hứa với dân”.

Có thể thấy rõ sự phấn khởi của người dân khi những khó khăn, trăn trở của mình được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đồng cảm, san sẻ, giải quyết. Nhờ vậy mà tình hình tư tưởng của Nhân dân ổn định, phấn khởi, tin tưởng hơn vào hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho rằng các buổi tiếp xúc, đối thoại đã trở thành diễn đàn bổ ích để lãnh đạo các cấp ghi nhận và hiểu hơn về cuộc sống và sản xuất của người dân; còn người dân được bày tỏ tiếng lòng của mình với lãnh đạo.

“Đằng sau mỗi cuộc đối thoại, tiếp xúc là nhiều vấn đề người dân còn băn khoăn, trăn trở luôn có lời giải đáp thỏa đáng; giúp mối quan hệ máu thịt giữa các cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trong huyện càng thêm khắng khít, bền chặt”, ông Nguyễn Văn Vui tâm đắc.

Huyện ủy còn lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức gắn với việc học tập và làm theo gương Bác. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối, biên chế, thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện và các chức danh người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đúng theo lộ trình và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Qua đó, góp phần giúp cho công tác phối hợp trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể nhịp nhàng hơn; tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; giảm bớt các khâu, thủ tục hành chính trung gian và số lượng các cuộc họp.

Ngoài ra, công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, kể cả hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp có bước chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên.

“Tất cả điều đó đã góp phần tạo nên tiền đề vững chắc để địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra với nhiều dấu ấn đáng tự hào”, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, nhấn mạnh.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Vị Thủy thực hiện đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Nổi bật là tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 9.492 tỉ đồng, đạt 158,2%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 2.390 tỉ đồng, đạt 195,38%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 giảm còn 4,94%, giảm bình quân hàng năm 2,66%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 7,49‰, đạt 147,12%...

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>