Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp phiên trù bị

25/01/2021 | 18:59 GMT+7

Sáng ngày 25-1, sau khi đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ, 1.587 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) họp phiên trù bị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự phiên họp trù bị Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Đại hội thông qua chương trình phiên họp trù bị, quy chế làm việc, chương trình làm việc, quy chế bầu cử Đại hội XIII và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

Cũng tại phiên trù bị, các đại biểu tiến hành bầu Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu.

Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa XII…

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, sáng 26-1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ chính thức khai mạc trọng thể tại hội trường.

Theo thông báo của Ban tổ chức đại hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến ngày 2-2. Đại hội có 1.587 đại biểu tham dự, đông nhất trong 13 kỳ đại hội.

Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm 12,4%; đại biểu chỉ định chiếm 0,95%; đại biểu nữ chiếm 13,99%; đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 11,03%. Về độ tuổi, đại biểu cao tuổi nhất 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi.

Đại biểu khách mời có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao. Ngoài ra còn có các mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ… tiêu biểu.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội XIII tiến hành thảo luận, thông qua: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (trình Đại hội XIII).

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Cụ thể, so với nhiệm kỳ XI, kinh tế nhiệm kỳ XII chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Mặc dù năm cuối nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới).

Nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Trong đó, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, góp phần nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định và Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>