Ông Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang:

Cán bộ, đảng viên Hậu Giang trân trọng, giữ gìn, phát huy thành quả mà các chú, các anh đã dày công vun đắp

06/10/2020 | 19:01 GMT+7

Dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi thân tình, nhẹ nhàng và sâu sắc, ông Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, kể nhiều về thế hệ khai phá vùng đất mới và kỳ vọng với cán bộ, đảng viên giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo Bộ Công thương (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) và ông Trần Công Chánh (hàng đầu, thứ 4 từ phải sang) tham dự Công nghiệp - Thương mại đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2015. Ảnh: LÝ ANH LAM

- Tôi nhớ rất kỹ những ngày đầu thành lập, khi ấy Hậu Giang là một tỉnh thuần nông có hơn 70% người dân sống bằng nghề nông nghiệp, dân trí thấp, là một điểm nghẽn, điểm trũng trong vùng, có xuất phát điểm hết sức khó khăn, được lãnh đạo Trung ương quan tâm, nhắc nhở rất nhiều, vì vậy mà ý thức anh em rất cao, có thêm động lực xây dựng Hậu Giang từng bước đi lên.

Khi ấy, thu nhập bình quân đầu cũng chỉ khoảng 17 triệu đồng/người/năm, nhưng 15 năm sau đạt 38 triệu đồng/người/năm, đây là một sự nỗ lực rất lớn. Hộ nghèo lúc thành lập tỉnh chiếm trên 23%, gia đình thương binh, liệt sĩ khá nhiều… Từ đó, các anh, các chú đã xác định những bước đi phát triển thận trọng, hài hòa với những đột phá mang lại kết quả cao.

Đầu tiên là giải quyết các chế độ chính sách với nhiều ưu đãi cho hộ nghèo, gia đình chính sách và người có công; sau đó là công tác giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội… Cứ sau một năm là có một bước phát triển mới, từ đó tạo được một tiền đề tương đối tốt. Tôi nói tương đối tốt là so với một tỉnh có nhiều điểm nghẽn, có nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế, xã hội so với các tỉnh ĐBSCL thời điểm đó.

Được thừa hưởng một nền tảng vững, các thế hệ anh em chúng tôi đã trân trọng, giữ gìn, tiếp bước, rồi cũng tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành bạn và sự đồng thuận của Nhân dân để mỗi một năm đều có một đột phá mới.

Trong thời gian đương nhiệm, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh (bìa trái) thường xuyên thăm đồng của nông dân và có những chỉ đạo cụ thể. Ảnh: HỮU PHƯỚC

Bản thân tôi là một cán bộ trong quân đội được lãnh đạo quan tâm “chuyển ra” đảm nhận các nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh ủy, bước đầu nhận thấy cũng có những khó khăn nhưng tôi rất tâm huyết cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo thêm những lợi thế, đột phá để Hậu Giang đi lên, cuộc sống người dân được cải thiện.

Và lúc này, tôi tự nhủ phải phát huy kết nối truyền thống, tận dụng hiệu quả hơn nữa những gì các anh, các chú để lại, tập trung sâu lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao đời sống nhân dân; tập trung sâu cho giáo dục - đào tạo để thoát khỏi vùng trũng về dân trí; thứ ba là lĩnh vực y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, bởi vùng căn cứ kháng chiến này người dân, gia đình chính sách đã chịu nhiều thiệt thòi. Với 3 lĩnh vực tâm huyết, tôi rất được Trung ương, đồng chí, đồng đội và Nhân dân, địa phương bạn đồng tình ủng hộ cao. Để từ đó, mỗi tháng, mỗi năm có sự chuyển biến rõ nét về đời sống kinh tế, xã hội, cuộc sống nhân dân được nâng chất.

Công tác xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ hết sức then chốt cũng được Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang quan tâm. Sau ngày thành lập, đội ngũ cán bộ, đảng viên Hậu Giang so với các địa phương khác không đông bằng, nhưng ý thức được trọng trách nên lực lượng sau luôn biết kế thừa, phát huy thành quả thế hệ trước; rồi vai trò đầu tàu, gương mẫu đi trước của đảng viên, mỗi chi bộ là một hạt nhân đã lãnh đạo toàn diện, tiếp tục góp phần đưa tỉnh nhà phát triển, đời sống nhân dân đi lên. Tôi cho đây là nhân tố hết sức quan trọng có tính quyết định.

Bản thân tôi, suốt thời gian giữ trọng trách đã cùng tập thể quyết tâm rất nhiều, nỗ lực phấn đấu sáng tạo không ngừng và kết nối liên tục để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Dù đạt nhiều kết quả song tôi cũng nhận thấy có một số chỉ tiêu chưa hoàn thành như mong muốn nhưng cũng ghi nhận những bước tiếp nối khá vững.

Trước khi trở về cuộc sống đời thường, tôi cũng rất quan tâm đến sự phát triển, đi lên của tỉnh nhà.

Trong những lần chuẩn bị hành trang trước khi về hưu, tôi đã tranh thủ bàn bạc với tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các sở, ngành, địa phương và Nhân dân nên chọn 1 chủ đề để xây dựng quê hương, con người Hậu Giang như thế nào?

Đây là vấn đề tôi hết sức trăn trở để chủ đề hình thành có sự gần gũi, gắn bó với truyền thống Hậu Giang và cho người dân nhớ lâu, dễ hiểu mà làm. Cuối cùng đã hình thành chủ đề Xây dựng quê hương, con người Hậu Giang: “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”.

Đoàn kết nói chung chúng ta đều hiểu, chung quy đoàn kết là sự sống còn để cùng phát triển đi lên nên thành tố tiên quyết này phải đứng đầu và dẫn dắt các thành tố sau. Nghĩa tình là chúng tôi muốn gợi lại tính truyền thống, sự trân trọng bao thế hệ đã ngã xuống cho vùng đất Hậu Giang. Thủy chung cốt yếu là tình cảm thiêng liêng, gắn bó của con người Hậu Giang với nguồn cội. Cuối cùng là năng động: thể hiện sự liên tục học tập, rèn luyện, phấn đấu, hay nói cách khác là năng lực, trí tuệ tranh thủ mọi thời gian, nguồn lực để làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội cũng như nâng cao đời sống nhân dân. 

Và thật vậy, những năm tháng lui về, tôi nhận thấy rõ tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân với quê hương, cư xử lẫn nhau có tình có nghĩa, có trên có dưới, có trước có sau, biết trân trọng những gì có được để phát huy trong điều kiện khó khăn.

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với nền tảng, sự kế thừa liên tục, tin rằng các đồng chí sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình !

Phải có đức lẫn tài

Ông Trần Công Chánh nhấn mạnh: Đạo đức là một phạm trù rất gần gũi, gắn bó thường xuyên, liên tục đối với chúng ta, trong đó đức và tài của cán bộ gắn liền nhau.

Ông có gửi gắm gì với thế hệ lãnh đạo Hậu Giang nhiệm kỳ mới ?

- Tôi mong là những năm tiếp theo, thế hệ lãnh đạo Hậu Giang trân trọng, giữ gìn, kế thừa, phát huy thành tích hơn 16 năm qua; luôn trong tâm thế năng động, sáng tạo trong tình hình mới.

Sau đại dịch Covid-19 sẽ tác động xấu đến sự tăng trưởng, đời sống nhân dân. Do đó, hơn ai hết, những người trong cuộc, nhất là các thế hệ kế tiếp cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, làm tốt công tác dự báo, định hướng cho đúng đắn, nhất là các mục tiêu chiến lược, mục tiêu ngắn hạn và tạo những đột phá cho những mục tiêu, chiến lược ngắn hạn đó. Trong bối cảnh công nghệ thông tin được tận dụng tối đa để xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, đòi hỏi phải có thêm những đột phá trong lãnh đạo, trong điều hành, trong thực hiện, nhất là thế hệ trẻ để làm tròn trách nhiệm của mình mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Về xây dựng Đảng bộ, ông nhận thấy phải tiến hành song song các mặt tư tưởng chính trị, tổ chức và đạo đức ?

- Bác Hồ đã khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” thì chính đạo đức, văn minh này phải được tôi luyện trong từng cán bộ, đảng viên để những lúc khó khăn nhất thì nhiệm vụ lo cho dân, lo cho nước, đức và tài phải được đề cao. Bởi vì thiếu 1 trong 2 cái đó đều không được, có tài mà không có đức thì không thành người, có đức mà không có tài thì không thể làm gì được. Đức là gốc và tất cả cán bộ, đảng viên phải nhận thức cho rõ vấn đề này mà hành động chứ không phải chỉ là khẩu hiệu suông…

Xin cảm ơn ông !

T.T thực hiện

 

TRÍ THỨC lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>