Tàu đi qua Biển Đỏ: Chưa có giải pháp an toàn

28/06/2024 | 07:25 GMT+7

Tìm giải pháp để ngăn chặn lực lượng Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ đang được quốc tế đặc biệt quan tâm.

Một con tàu bị tấn công ngoài khơi Hodeidah, Yemen. Ảnh: IRNA

Mới đây, lực lượng Houthi ở Yemen cho biết họ đã tiến hành một chiến dịch quân sự chung với một nhóm phiến quân ở Iraq tấn công vào 4 tàu tại cảng Haifa của Israel.

Người phát ngôn của lực lượng Houthi Yahya Saree cho biết, hai nhóm đã sử dụng thiết bị bay không người lái tấn công vào 2 tàu chở xi măng và 2 tàu chở hàng tại cảng Haifa ở phía Bắc Israel. Phía Houthi cho rằng, các con tàu này đã vi phạm lệnh cấm vào các cảng bị chiếm đóng của Palestine. Trước đó, Houthi từng cảnh báo rằng tất cả các tàu cập cảng Israel sẽ bị coi là mục tiêu tấn công.

Trước đó, một tàu chở hàng đã bị chìm trên Biển Đỏ cũng bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công, khiến một thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Đây là con tàu thứ hai bị đánh chìm trong chiến dịch tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ của Houthi.

Vụ chìm tàu ​​ở Biển Đỏ đánh dấu mức độ leo thang mới của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn trong chiến dịch nhằm mục tiêu tấn công vào các tàu thương mại lưu thông qua Biển Đỏ - hành lang hàng hải quan trọng - liên quan tới cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza. Theo đó, các cuộc tấn công gần như diễn ra hàng ngày nhằm vào các tàu thương mại và tàu chiến bất chấp chiến dịch do Mỹ dẫn đầu kéo dài nhiều tháng qua trong khu vực.

Kể từ tháng 11-2023 đến nay, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 50 cuộc tấn công tàu thuyền, khiến 4 thủy thủ thiệt mạng. Theo Cục Hàng hải Mỹ, Houthi đã bắt giữ một tàu và đánh chìm hai tàu. Trong khi đó, Houthi cáo buộc chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu đã nhằm vào lực lượng này kể từ tháng 1-2024, với một loạt cuộc tấn công vào ngày 30-5 đã khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và 42 người khác bị thương chính là tác nhân để lực lượng này gia tăng tấn công tàu qua Biển Đỏ.

Mỹ và Anh đã thực hiện nhiều đợt tấn công nhằm vào hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen, nhằm đối phó với mối đe dọa đặt ra đối với quyền tự do hàng hải ở một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới, tuy nhiên tình hình vẫn liên tục bất ổn. Mối nguy hiểm đối với thủy thủ đoàn, hàng hóa và tàu thuyền đã buộc các hãng vận tải phải định tuyến lại tuyến đường vận chuyển.

Hệ lụy của những vụ tấn công liên hoàn trên đã khiến vận chuyển qua Biển Đỏ tiếp tục sụt giảm. Hiện chỉ còn khoảng 40% tàu container tiếp tục sử dụng tuyến Biển Đỏ mỗi ngày, giảm 60% so với một năm trước.

Theo công ty phân tích rủi ro hàng hải Windward, số lượng tàu chở hàng ngừng di chuyển, neo đậu bên ngoài các cảng ở phía Bắc và phía Nam kênh đào Suez, đã tăng 225% sau thời điểm xảy ra vụ tấn công. Windward đồng thời dự đoán lượng tàu qua kênh đào Suez, tuyến hàng hải vận chuyển 10-15% giá trị thương mại thế giới, sẽ còn tiếp tục giảm.

Theo các chuyên gia, gián đoạn càng kéo dài và càng có nhiều tàu chuyển hướng thì việc giao hàng hóa và nhiên liệu càng bị chậm trễ, có nguy cơ đẩy giá lên cao.

Để lập lại an toàn cho các tàu qua tuyến đường này, Tổng thư ký của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) ông Dominguez, đã kêu gọi một giải pháp “nhiều mặt” cho cuộc khủng hoảng vận tải Biển Đỏ đang diễn ra. Ông Dominguez cho rằng:“Quyền tự do hàng hải là điều tối quan trọng. Giải pháp phải đa diện: tăng cường an ninh tàu thuyền; chấm dứt hoạt động thù địch nhằm vào những thủy thủ vô tội; và cần các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề này”.

Hiện tại, bên cạnh các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, hải quân Mỹ và Anh đang cung cấp lực lượng phòng thủ chính bằng các tàu khu trục phòng không của họ ở các vị trí gác cổng giữa bờ biển Yemen và các kênh vận chuyển ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Các lực lượng hải quân khác cũng cung cấp sự hỗ trợ và hộ tống trực tiếp cho các tàu có giá trị cao, hoặc những tàu có khả năng bị tấn công lớn nhất.

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tình thế chưa giải quyết căn cơ vấn đề khi các mâu thuẫn mang tính thù địch vẫn còn tồn tại.

Để tránh đi qua Biển Đỏ, nhiều tàu chở hàng đã đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi chấp nhận hành trình vận tải biển kéo dài thêm 10-15 ngày và tăng chi phí vận chuyển. Một số công ty logistics đang cân nhắc các tuyến đường sắt để vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu. Từ đó làm vận tải đường sắt từ châu Á đến châu Âu tăng vọt.                                                               

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>