Bầu cử nghị sĩ Quốc hội Pháp: Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu dẫn đầu vòng 1

02/07/2024 | 05:52 GMT+7

Các cuộc thăm dò sau vòng 1 của cuộc bầu cử nghị sĩ Quốc hội Pháp cho thấy Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu đang dẫn đầu, với số phiếu ủng hộ có thể lên tới 34%.

Dòng người biểu tình tại Pháp sau khi có kết quả thăm dò bầu cử vòng 1 trong ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Theo kết quả sơ bộ tính đến gần nửa đêm ngày 30-6, Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu tại Pháp giành ưu thế lớn tại vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Pháp với khoảng 33,5% số phiếu, bỏ xa liên minh cánh tả và liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron.

Đứng thứ 2 là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới với khả năng giành được 29% số phiếu. Ở vị trí thứ 3, là khối trung dung “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” của Tổng thống Emmanuel Macron, dự đoán được khoảng 20,5-23%.

Các đảng phái cần có 289 ghế để đạt được thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp.

Dựa theo những kết quả ban đầu này, Đài truyền hình quốc gia Pháp ước tính, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu dự kiến ​​sẽ thâu tóm từ 240-270 ghế trong quốc hội, tương đương đa số ghế tại cơ quan lập pháp.

Liên minh của Tổng thống Macron dự kiến ​​sẽ mất hơn 160 ghế và có khả năng chỉ giành được từ 60-90 ghế trong tổng số 577 ghế nghị sĩ. Nếu dự báo này thành hiện thực, đây sẽ là tổn thất nghiêm trọng mới sau khi đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu ngày 9-6.

Nếu RN giành thế áp đảo tại Quốc hội, Tổng thống Macron sẽ buộc phải điều hành đất nước với ông Jordan Bardella, chính trị gia thiên về chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi Liên minh châu Âu (EU) và có lập trường chống nhập cư.

Theo Hiến pháp của Pháp, để trở thành nghị sĩ Quốc hội ngay tại vòng 1, các ứng viên phải đạt điều kiện kép là nhận được hơn 50% số phiếu bầu và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại khu vực tranh cử phải đạt ít nhất 25%.

Các chuyên gia nhận định có 3 khả năng lớn có thể xảy ra.

Kịch bản đầu tiên, đó là việc RN hoặc NFP sẽ giành được đại đa số, tương đương với việc có hơn 289 nghị sĩ của đảng trúng cử tại vòng 2 diễn ra vào ngày 7-7 tới. Theo kết quả sơ bộ vòng 1, RN được cho là có nhiều khả năng đạt được đại đa số tại vòng hai với khoảng 295 ghế tại Quốc hội.

Dù vậy, cuộc chiến này được dự đoán là sẽ rất căng thẳng bởi phe ủng hộ Tổng thống, do Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal dẫn đầu, đã tuyên bố sẵn sàng rút 60 ứng viên để gia tăng khả năng thắng lợi của liên minh NFP. Tương tự, Chủ tịch đảng “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélanchon cũng cho biết đảng sẽ rút lui tại một số địa phương để ủng hộ NFP. Thế nên, sẽ là quá sớm để có thể khẳng định điều gì. Nhưng cho dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa thì Tổng thống Macron đều sẽ phải gọi chủ tịch hoặc đại diện một trong hai đảng đến điện Matignon để cùng chung sống. Đây sẽ là một tình huống cùng nhau cộng sinh.

Kịch bản thứ hai, đó là việc RN hoặc NFP chiếm đa số ghế tại Quốc hội nhưng không đạt được đại đa số tuyệt đối. Khi đó, chính trường Pháp sẽ trở nên phức tạp và chính phủ mới sẽ khó vận hành khi luôn phải thỏa hiệp, đàm phán và không ngừng thay đổi liên minh để đạt được mục đích. Chưa kể đến phe đối lập sẽ không ngừng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm để ngăn chặn các dự luật được thông qua.

Kịch bản cuối cùng, cũng là kịch bản hỗn loạn nhất, đó là việc cả 3 thế lực, bao gồm RN, NFP và phe ủng hộ Tổng thống đều đạt được một số ghế nhất định nhưng không có quá nhiều chênh lệch. Trong bối cảnh này, Quốc hội Pháp sẽ ở thế giằng co 3 bên. Việc Tổng thống chọn thủ tướng sẽ rất phức tạp và cuộc khủng hoảng chính trị sẽ vô cùng nghiêm trọng tại Pháp. Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó có thể xảy ra bởi hiện phe ủng hộ Tổng thống hiện đang bị bỏ lại khá xa và các chính trị gia Pháp đang sẵn sàng “hy sinh” để tránh kết quả xấu nhất đến với chính trường Pháp.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>